Bảo đảm quyền lợi người lao động trước và sau cải cách tiền lương

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng…
0:00 / 0:00
0:00
Chính sách BHXH đang được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. Ảnh: BẮC HẢI
Chính sách BHXH đang được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. Ảnh: BẮC HẢI

Hướng đến mục tiêu an sinh xã hội bền vững

Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho hay, Dự án Luật BHXH là dự luật khó, phức tạp, tác động đến đông đảo người lao động và người nghỉ hưu. Dự án luật này đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội cả nước. Vì vậy, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đối tượng tác động, đặc biệt là vấn đề rút BHXH một lần. “Chúng tôi đang cố gắng sẽ thông qua Dự án Luật BHXH sửa đổi tại kỳ họp 7 như kế hoạch”, ông Đoan nói, tuy nhiên việc xem xét, thông qua dự án luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, căn cứ trên cơ sở thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Trước đó, Chính phủ đã có Báo cáo số 06/BC-CP về đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách BHXH và đề xuất các quy định có liên quan trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đề xuất hai phương án quy định về hưởng BHXH một lần. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, cả hai phương án Chính phủ trình đều nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết số 28/NQ-TƯ ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Đó là bảo đảm tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người hưởng BHXH một lần. “Mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định”, báo cáo nhấn mạnh.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục để tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan và trực tiếp người lao động (cả người lao động đang tham gia và người lao động đã hưởng BHXH một lần). Chính phủ cho rằng, để mở rộng diện bao phủ BHXH nhằm đạt được mục tiêu của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ tiến tới BHXH toàn dân thì cần phải thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp.

Cùng với các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì hưởng BHXH một lần đã được quy định tại dự thảo Luật này, đồng thời cũng phải thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật có liên quan khác như hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

“Đặc biệt sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ duy trì việc làm tránh sa thải lao động, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm... sớm giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động”, báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, những lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu; bảo đảm an sinh cho bản thân và an sinh xã hội bền vững của đất nước.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ tiếp tục thống nhất trình và đề nghị Quốc hội xem xét quyết định lựa chọn một trong hai phương án nêu trên.

Đề xuất mức tham chiếu tính BHXH

Về mức bình quân làm căn cứ đóng BHXH, ông Đoan cho hay, đây là vấn đề liên quan trực tiếp khi thực hiện cải cách tiền lương. Chính phủ đã có báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Xã hội đang tính toán, điều chỉnh trong Luật BHXH sửa đổi làm sao bảo đảm quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau khi cải cách tiền lương. Việc này là để không có sự chênh lệch quá xa về mức lương hưu giữa người mới nghỉ hưu với những người nghỉ hưu trước thời điểm ngày 1/7/2024.

“Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi nghiên cứu thận trọng. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, trình Quốc hội phương án tối ưu nhất, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Về mức lương tham chiếu, ông Đoan thông tin, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bỏ mức lương cơ sở. Trong khi, mức lương cơ sở là căn để tính mức đóng BHXH, chính sách xã hội cho người lao động và nhiều chính sách khác. Vì vậy, khi bỏ mức lương cơ sở, cần thay bằng một mức lương điều chỉnh mới là mức lương tham chiếu. “Mức lương tham chiếu này các cơ quan Chính phủ đang tính toán phù hợp để làm sao không thấp hơn mức lương đang áp dụng lương cơ sở”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho hay. Hiện các cơ quan của Quốc hội cũng đang xem xét đánh giá vấn đề này. Cụ thể là, xem xét việc tính mức lương tham chiếu cùng hệ số nhân cụ thể như thế nào, cùng với cải cách tiền lương để áp dụng những năm tiếp theo.

“Đây là vấn đề tác động đến người lao động và người nghỉ hưu, nên cần tính toán chặt chẽ, khoa học, làm sao cho người nghỉ hưu và người đang làm việc hưởng lương tối ưu sau khi luật ban hành”, ông Đoan khẳng định. Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Chính phủ đề xuất sử dụng “mức tham chiếu” để thay thế mức lương cơ sở tại các nội dung của các chế độ BHXH trong Luật BHXH năm 2014 đang gắn với mức lương cơ sở.

Đề xuất này, theo Chính phủ, nhằm tiếp tục thực hiện được các chế độ BHXH hiện đang gắn với mức lương cơ sở; đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc không nên quy định thành số tiền tuyệt đối mà nên sử dụng một căn cứ khác thay thế.

Chính phủ cũng đề xuất bổ sung một khoản tại điều về quy định chuyển tiếp của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi về mức tham chiếu tính BHXH. Cụ thể: “Mức tham chiếu tính BHXH được tính bằng 1.800.000 đồng từ ngày 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện BHXH theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 và để thực hiện BHXH theo quy định của luật này. Mức tham chiếu tính BHXH được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH”.