Cải cách chính sách tiền lương để giữ chân cán bộ

NDO - Để giải quyết vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00

Công chức, viên chức dịch chuyển sang khu vực tư là yếu tố khách quan

Chiều 27/10, giải đáp các băn khoăn của đại biểu Quốc hội tại hội trường liên quan thực trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn số liệu tổng hợp của 63 địa phương và các Bộ, ngành cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, số công chức, viên chức thôi việc tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 6.700 người), Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người; các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người. Tính theo lĩnh vực thì ngành giáo dục có 16.424 người người nghỉ việc (41,53%), y tế là 12.198 người (30,84%).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19 là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Singapore và kể cả các nước khối ASEAN.

Cải cách chính sách tiền lương để giữ chân cán bộ ảnh 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên thảo luận chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Làm rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới 1 thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu.

Đồng thời, thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế. Do vậy, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động.

“Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta, đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư”, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ.

Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bên cạnh đó, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra-vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động, cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời điểm hơn 2 năm qua là điều cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là 1 vấn đề đáng quan ngại.

Về mặt chủ quan, Bộ trưởng nêu rõ, là do tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn so với thu nhập cùng trình độ việc làm ở khu vực tư, hay áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch Covid-19 bùng phát…

Cải cách chính sách tiền lương để giữ chân cán bộ ảnh 2

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ngoài ra, môi trường làm việc ở một số nơi còn chưa tạo được động lực, cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực, sở trường; quản trị trong khu vực công chưa có những thay đổi lớn cơ bản, vẫn theo thói quen, lề lối cũ trong khi khu vực tư thì rất chú ý đến tiếp cận phương thức quản trị hiện đại, khích lệ người lao động làm việc, ghi nhận kịp thời giá trị đóng góp, cống hiến của người lao động.

Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ xác định, cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới. Trước hết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%).

“Việc tăng lương này đã tạo được 1 tín hiệu vui và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2023 là hợp lý trong điều kiện chúng ta phải chủ động lường trước những vấn đề phát sinh của năm 2023 về lạm phát và những yếu tố khách quan khác”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu rõ cần tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời quan tâm rà soát hệ thống thể chế để đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả hơn nữa, cũng như sớm xây dựng chính sách thu hút và trọng dụng người tài năng, các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu, tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc và xây dựng môi trường văn hóa làm việc công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, giúp công chức, viên chức thể hiện tài năng của mình và đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền cũng như đổi mới lề lối làm việc để phát huy năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương

Cải cách chính sách tiền lương để giữ chân cán bộ ảnh 3

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị Quốc hội cho phép tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/1/2023, thay vì ngày 1/7/2023 như phương án trình Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương, đồng thời cũng cần tính toán việc tăng lương hưu cho các lao động đã về hưu, cũng như cần tính đến các cơ chế chính sách bảo đảm an sinh xã hội…

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, đề xuất tăng lương của Chính phủ là thấp hơn và không tương xứng với tỷ lệ tăng trong những năm qua.

Cải cách chính sách tiền lương để giữ chân cán bộ ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần thực hiện tăng lương từ ngày 1/1/2023 để thống nhất với chính sách tăng lương đã được thực hiện trong thời gian qua, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người lao động.

Về nâng cao chất lượng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, vấn đề vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, cơ quan hành chính còn bất cập, việc tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm còn hạn chế.

Đại biểu cho rằng hiện nay, công tác tinh giản bộ máy còn hình thức, có tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, khiến nhiều cơ quan yếu đi sau khi tinh giản. Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá sâu thực trạng để đề ra giải pháp cho vấn đề này, bên cạnh tổng kết việc thực hiện các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.