Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tội phạm xâm phạm, vi phạm về trật tự xã hội có một số vụ việc liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên như: vi phạm Luật Giao thông vẫn chiếm đa số; tình trạng người học tham gia chơi “lô đề”, sử dụng đồ uống có cồn quá mức gây mất trật tự xã hội đã, đang diễn ra phổ biến…
Ngành giáo dục có khoảng gần 25 triệu người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của quốc gia, dân tộc.
Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành giáo dục luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật cho người học.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay đối với học sinh, sinh viên diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, có chiều hướng len lỏi vào các trường học. Do đó, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.
Ngành giáo dục đặt ra mục tiêu là 100% cơ sở giáo dục, đào tạo kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo “Phòng chống tội phạm”; xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan.
Tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức ký cam kết giữa nhà trường, gia đình, xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật. Đặc biệt, xây dựng và duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật…