Các nước châu Âu chi gần 500 tỷ euro để ứng phó khủng hoảng năng lượng trong năm 2021

Trong năm 2021, các nước châu Âu đã chi gần 500 tỷ euro để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp do giá khí đốt và năng lượng tăng cao. Đây là kết quả nghiên cứu do Tổ chức Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) công bố ngày 21/9.
0:00 / 0:00
0:00
Các phương tiện xếp hàng chờ đổ xăng tại Harfleur, miền tây nước Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các phương tiện xếp hàng chờ đổ xăng tại Harfleur, miền tây nước Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt trong nhiều tháng, chính phủ các nước châu Âu đã đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế giá điện bán lẻ, giảm thuế năng lượng và hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo số liệu của Bruegel, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chi 314 tỷ euro để triển khai các biện pháp trên, trong khi Anh chi 178 tỷ euro.

Tuy nhiên, nếu tính cả việc các chính phủ có dư địa tài chính lớn hơn đã tiến hành quốc hữu hóa, cứu trợ, cung cấp các khoản vay thì các nước EU có thể đã chi đến gần 450 tỷ euro.

Nhiều biện pháp được biết là chỉ áp dụng tạm thời nhưng Bruegel cho rằng sự can thiệp của nhà nước đã dần trở thành một hình thức hỗ trợ.

Chuyên gia cấp cao Simone Tagliapietra của Bruegel cho rằng điều này rõ ràng không bền vững đối với tài chính công.

Theo Bruegel, Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là nước chi nhiều nhất trong EU cho các biện pháp hỗ trợ, ước tính khoảng 100 tỷ euro, so với 59 tỷ euro ở Italia, tương đương hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, hay 200 triệu euro ở Estonia.

Tương tự như Italia, các nước như Croatia, Hy Lạp, và Latvia cũng đã chi hơn 3% GDP của mỗi quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Để ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng vọt, tuần trước, EU đã đề xuất các biện pháp chung cho toàn khối nhằm giảm bớt sự chênh lệch giữa các biện pháp của các quốc gia thành viên.

Ủy ban châu Âu ngày 14/9 cũng đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề năng lượng.

Theo đó, các thành viên EU được khuyến khích cắt giảm 10% tổng mức sử dụng điện và bắt buộc cắt giảm 5% lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm.

Kế hoạch cũng đề xuất áp thuế lên các công ty năng lượng hóa thạch để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, gia đình gặp khó khăn.

Những biện pháp này sẽ được thảo luận và bỏ phiếu trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 30/9 tới.