Italia và Bỉ thông qua các gói biện pháp mới nhằm ứng phó với khủng hoảng năng lượng

Ngày 16/9, Chính phủ Italia đã thông qua gói viện trợ thứ ba, trị giá khoảng 14 tỷ euro (14 tỷ USD), để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với tình trạng chi phí năng lượng và nhiên liệu tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Châu Âu đang chật vật ứng phó với khủng hoảng năng lượng. (Ảnh minh họa: Reuters)
Châu Âu đang chật vật ứng phó với khủng hoảng năng lượng. (Ảnh minh họa: Reuters)

Gói viện trợ mới bao gồm khoản trợ cấp 1 lần số tiền 150 euro cho những người có thu nhập dưới 20 nghìn euro/năm, 190 triệu euro cho những nông dân gặp khó khăn vì chi phí năng lượng tăng và 100 triệu euro cho lĩnh vực giao thông công cộng.

Gói hỗ trợ còn bao gồm các hình thức tín dụng thuế, giảm thuế năng lượng và nhiều sáng kiến khác nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Italia Mario Draghi cho biết, biện pháp trên sẽ không làm tăng thâm hụt ngân sách nhà nước, vì nguồn thu thuế từ các công ty năng lượng được hưởng lợi từ tình trạng giá điện tăng sẽ bù đắp cho khoản chi này.

Ông Draghi cũng khẳng định kinh tế Italia không có dấu hiệu suy thoái, dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại do đang phải đối mặt với lạm phát và giá năng lượng tăng cao.

Chính phủ Italia đã dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 là 3,1%. Nước này dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 25/9 tới.

Cũng trong ngày 16/4, Chính phủ Bỉ đã thông qua gói các biện pháp năng lượng mới, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng vọt.

Nhờ vào các biện pháp mới, hóa đơn tiền điện và khí đốt của các hộ gia đình sẽ giảm khoảng 400 euro/tháng trong các tháng 11 và tháng 12 tới.

Với những hộ gia đình dùng dầu để sưởi ấm, khoản hỗ trợ 225 euro được áp dụng từ ngày 31/8 được nâng lên thành 300 euro.

Bên cạnh đó, Chính phủ Bỉ cũng đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tư nhân, như cho phép các công ty hoãn thanh toán các khoản đóng góp cho an sinh xã hội và thuế, áp dụng hỗ trợ tạm thời cho những người mất việc làm vì lạm phát giá năng lượng và hoãn thanh toán các khoản nợ vì phá sản.

Ngoài ra, tất cả các biện pháp được công bố từ ngày 31/8 như giảm 6% thuế VAT với khí đốt và điện, giảm thuế môn bài với nhiên liệu, bổ sung người thuộc diện được trợ cấp xã hội và nhận phiếu ưu đãi nhiên liệu... cũng sẽ tiếp tục có hiệu lực đến cuối tháng 3/2023.