GHI TRONG VÙNG TÂM CHẤN ĐỘNG ĐẤT:

TIẾNG CA CẦU BÌNH AN TỪ LÀNG SAGAING

5 giờ sáng, chị Chu Thị Nguyệt đã trở dậy. Ngoài đường vắng tanh, không một bóng người. Trên phố la liệt những chiếc màn được dựng tạm. 6 ngày sau đại địa chấn, nhiều người dân tại Mandalay (Myanmar) vẫn chưa dám quay trở lại để ngủ trong nhà. Và cũng 1 tuần nay, chị Nguyệt dậy sớm để chuẩn bị thêm đồ đạc cho chuyến đi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi động đất.

"NGÀY TẬN THẾ" CUỐI THÁNG 3

Gần 1 giờ chiều 28/3. Chị Nguyệt đang ở trên tầng 2 ngôi nhà nằm trên đường 66 thành phố Mandalay. Bên ngoài, nắng gay gắt. Tiếng xe chạy rầm rì như thường lệ. Đột ngột, mọi thứ bắt đầu rung lắc dữ dội. Bàn ghế, tủ giường bị xô nghiêng. Động đất!

"Tôi cố gắng được tầng 1 nơi con trai út đang ở nhưng cũng không thể đứng vững khi sàn nhà nhồi lên xuống liên tục, buộc tôi phải ngồi sụp xuống mà không thể thoát ra ngoài", chị Nguyệt kể.

Tiếng la hét, âm thanh một tòa nhà lân cận sụp xuống như bom nổ, cảm giác "tệ hơn cả say sóng"... tất cả khiến người phụ nữ đã có 3 năm sinh sống tại Myanmar vô cùng hoảng sợ.

"Ban đầu, tôi nghĩ động đất sẽ qua nhanh như những lần trước. Ai ngờ lần này kéo dài tới 4-5 phút với cường độ rất mạnh. Tôi chỉ biết cầu nguyện để trần nhà không sập xuống".

Khi đợt rung chấn đầu tiên kết thúc, chị vội chạy về trường học của con. Hàng trăm đứa trẻ lố nhố đứng đầy bên đường. Chúng khóc và la hét dữ dội. Gần đó, một khối công trình vừa sập, khói bụi vẫn còn bốc lên mù mịt.

"Không ai bị kẹt hay bị thương", tiếng ai đó loáng thoáng thông báo bằng tiếng Anh trong hỗn loạn. Nhưng người mẹ Việt Nam chỉ thở phào khi thấy con mình thực sự vẫn còn lành lặn.

Nhưng trong buổi trưa định mệnh, nhiều người khác đã không được may mắn đến vậy.

Một tòa nhà đổ sập tại thành phố Mandalay. Người đàn ông dạo bước vẫn phải ngoái nhìn đống đổ nát sau lưng. (Ảnh: Sơn Bách/Báo Nhân Dân)

Một tòa nhà đổ sập tại thành phố Mandalay. Người đàn ông dạo bước vẫn phải ngoái nhìn đống đổ nát sau lưng. (Ảnh: Sơn Bách/Báo Nhân Dân)

Yaz (tên nhân vật đã được thay đổi), học cùng lớp với con trai chị Nguyệt hôm đó nghỉ. Nhà của Yaz là một chung cư gồm 4 block cũng trên đường số 66. Sau đợt rung chấn thứ hai, 3 trong số đó bị quật ngã, bao gồm cả căn hộ của Yaz. Cậu bị vùi dưới đống đổ nát, trong sự bàng hoàng của Minh và những người chung quanh.

Ngày đi cùng mẹ ra khu chung cư của Yaz, cậu bé người Việt Nam đứng lặng người, nhìn về phía đống gạch đá lởm chởm, nhìn đội cứu hộ địa phương cật lực bới tìm. 2 ngày sau, Yaz được đưa ra ngoài trong trạng thái hôn mê, người trắng xóa bụi. Cha mẹ Yaz tới nay vẫn còn mất tích... Hy vọng gần như đã không còn.

Chiều 28/3, chị Nguyệt chuyển cả gia đình sang nhà bạn ở tạm, khi căn nhà cũ xuất hiện quá nhiều vệt nứt.

"Tôi lái xe dọc những con đường, thấy những ngôi làng với hàng nghìn hộ dân bị bốc cháy, cột điện ngả nghiêng, đen đúa, những ngôi nhà, chùa chiền nghiêng ngả. Gần như ngày tận thế”, chị Nguyệt nói.

Ja Naw Dawshi chia sẻ với phóng viên về đợt động đất hồi cuối tháng 3 tại Mandalay.

Ja Naw Dawshi chia sẻ với phóng viên về đợt động đất hồi cuối tháng 3 tại Mandalay.

Ja Naw Dawshi, một cư dân thành phố Mandalay đã trực tiếp chứng kiến cảnh một ngôi nhà đổ sập.

“Thật sự rất sốc. Các bức tường, cửa kính lần lượt vụn vỡ, sụp xuống. Bạn biết đó, như trong trò chơi domino, nhưng kèm theo những tiếng động khủng khiếp. Chú tôi, khi ấy đang dùng bữa trưa ở một nhà hàng cũng bị trần rơi xuống và tử vong. Rất lâu sau, họ mới đưa được thi thể của ông ra ngoài”, Dawshi kể, tay uốn lượn lên xuống, cố gắng miêu tả lại cảm giác bồng bềnh khi động đất xảy ra.

Một gia đình mất nhà phải tạm trú dưới gốc cây vùng ngoại ô Oo Bin (Mandalay). (Ảnh: Sơn Bách/Báo Nhân Dân)

Một gia đình mất nhà phải tạm trú dưới gốc cây vùng ngoại ô Oo Bin (Mandalay). (Ảnh: Sơn Bách/Báo Nhân Dân)

Đứng ở bên đường 29, Lesmina, 28 tuổi, mắt đỏ hoe nhìn chằm chặp vào tòa nhà 7 tầng đã đổ đối diện. Phía dưới, chồng và cha của cô đang bị chôn vùi.

“Hôm nay đã là ngày thứ 6. Tôi vẫn hy vọng họ có thể còn sống, dù mong manh”, Lesmina nói, tay chắp lên trước ngực, ra dấu cầu bình an.

Khi trận động đất 7,7 độ xảy ra, phần móng của tòa nhà bị đánh sụp xuống đất, cả khối công trình đổ nghiêng về phía trước, tạo thành thế tam giác mong manh. 2 người thân của cô bị mắc kẹt khi đang làm việc. Cùng với họ còn khoảng 7 nạn nhân khác.

Thấy đội cứu nạn tới hiện trường, Lesmina và nhóm 5, 6 người xúm lại, nhờ họ sớm giải tỏa đống phế tích để đưa người thân ra. Nhưng tiến độ không khả quan khi các cấu kiện vẫn có nguy cơ sập tiếp bất cứ lúc nào…

Lesmina chỉ là một trong rất nhiều người vẫn đứng như hóa đá trước những hàng rào ngăn hiện trường trong lòng thành phố cổ. Mandalay bình yên ngày nào, trong phút chốc, đã có thêm rất nhiều khoảng trống của sự đổ vỡ, cách ngăn….

Theo Phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar, 3.085 người đã thiệt mạng, 4.715 người bị thương và 341 người vẫn mất tích, 6 ngày sau thảm họa động đất ở quốc gia này.

Một người đàn ông đi qua đống đổ nát tại thành phố Mandanlay. (Ảnh: Sơn Bách)

Một người đàn ông đi qua đống đổ nát tại thành phố Mandanlay. (Ảnh: Sơn Bách)

TIẾNG HÁT VÀ CHIẾC VÒNG TAY HY VỌNG TỪ LÀNG SAGAING

Ngay sau khi dư chấn qua đi, cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar nói chung, Mandalay nói riêng đã tích cực hỗ trợ công tác cứu trợ những người mất nhà cửa. Bản thân chị Nguyệt đã tự bỏ tiền túi, cùng sự chung tay của bạn bè mua nhu yếu phẩm cần thiết.

Ngày ngày, cứ khoảng 6 giờ sáng, chị lại cùng các bạn người Myanmar tới các vùng khó khăn như trại trẻ mồ côi, khu tạm cư, chùa chiền để hỗ trợ.

“Thông qua người quen tại địa phương, chúng tôi khảo sát và lên nhu cầu theo từng địa điểm. Đặc biệt, chúng tôi cũng mang theo tiền mặt để trao cho mọi người vì lúc này, hàng quán đã hoạt động trở lại”, chị Nguyệt vừa chuẩn bị đồ cho chuyến đi Sagaing vừa chia sẻ.

Chị Nguyệt tặng tiền để hỗ trợ khôi phục chùa tại Sagaing. (Ảnh: Sơn Bách)

Chị Nguyệt tặng tiền để hỗ trợ khôi phục chùa tại Sagaing. (Ảnh: Sơn Bách)

Với những điểm đông người, nhóm của chị Nguyệt sẽ dùng bút đánh dấu lên tay từng người đã nhận để tránh phát lại lần 2.

“Từ ngày động đất, đoàn của chúng tôi cứ đi từ sáng sớm tới tối mới trở về. Qua nhiều làng mạc, bệnh viện, cảnh tượng chung quanh khiến tôi thực sự đau lòng. Khi vào bệnh viện Mandalay, tôi gặp một cô bé chỉ chừng 14 tuổi. Chân của em bị cưa cụt tận đùi. Mặt bên trái bị mài hỏng. Khi gặp chúng tôi, em chỉ biết khóc”, chị rưng rưng nói.

Buổi sáng thứ 4 có mặt tại Mandalay, chúng tôi quyết định di chuyển tới Sagaing để cùng đoàn chị Chu Nguyệt hỗ trợ cácnnạn nhân, cũng là để tận mục sở thị vùng tâm chấn, dù đây vẫn là tỉnh chịu ảnh hưởng của giao tranh. Cùng đi còn có Ja Naw Dawshi dẫn đường. Đã mất đi một người thân sau động đất, anh không chỉ biết rõ mảnh đất này, mà còn hiểu thấu khó khăn của người dân. Dawshi và những người bạn Việt Nam mang theo rất nhiều bánh ngọt, nước, cà-phê và tiền mặt.

Dọc đường, dấu tích của trận động đất kinh hoàng vẫn còn như mới xảy ra hôm qua. Cầu Ava bắc qua sông Ayeyarwady phía xa xa đã gãy gập nhiều nhịp. Dòng phương tiện buộc phải nối đuôi nhau cả chục kilomet chầm chậm chờ sang bên kia qua cây cầu mới xây có cùng tên với tỉnh lỵ. Vài vết nứt đen đúa kéo dài loang lổ trên dải taluy xám màu. Cụm chùa bên mé phải lô xô đổ vỡ, như vừa hứng chịu một đợt ném bom dữ dội.

Sau chừng 45 phút đứng im trên cây cầu huyết mạch, sau cùng, bảng chữ Welcome to Sagaing đã hiện ra, cũng sứt mẻ, giống hàng nghìn cư dân ven sông này.

Từ ngày động đất, đoàn của chúng tôi cứ đi từ sáng sớm tới tối mới trở về. Qua nhiều làng mạc, bệnh viện, cảnh tượng chung quanh khiến tôi thật sự đau lòng.

Chị Chu Thị Nguyệt

Tại chùa Jino (làng Sagaing), khoảng 12 công nhân phá dỡ đang làm việc trên đống đổ nát cao quá đầu người. Phía ngoài, lực lượng quân đội dọn dẹp lại hàng rào đá ngã rạp ra bên đường. Vị sư già, mặc bố y màu nâu đậm, đăm chiêu nhìn vào chiếc chuông đã được hạ giải ngay phía cổng.

Trận địa chấn trưa 28/3 đã khiến 11 tăng ni thiệt mạng, 250 người khác bị thương. Hàng trăm tăng nhân mất nơi cư ngụ, phải rải bạt ngồi tụng kinh bên bãi đất trống ven chùa.

Chùa sập, các vị sư phải giảng pháp tại một công trình kế cận.

Chùa sập, các vị sư phải giảng pháp tại một công trình kế cận.

Một vị sư ghi chép lại những khoản đóng góp để tái thiết lại chùa.

Một vị sư ghi chép lại những khoản đóng góp để tái thiết lại chùa.

Cách đó không xa, một khu vực được “quy hoạch” thành điểm tập kết hàng hóa cứu trợ. Một chú tiểu trẻ tuổi làm nhiệm vụ ghi chép, thống kê. Trong đôi mắt đen còn ánh lên một vài tia lo lắng…

“Tới hôm nay, rất nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm đã được chuyển tới đây. Chúng tôi rất cám ơn các bạn”, một ni cô trẻ đáp từ.

Sáng sớm, Kou, đứa trẻ 15 tuổi theo chân gia đình ra khoảng sân đầy cát bụi sau chùa, hòa vào dòng người nối dài. Kou đợi các đoàn cứu trợ hôm nay, như cách cậu vẫn làm sau động đất.

Giơ một chiếc bao tải màu trắng còn trống rỗng cho chúng tôi xem, Kou ra hiệu, vẫn chưa có gì trong này cả. Kou cần nước, thức ăn và một chút… kẹo bánh. Mỗi khi thấy xe cứu trợ tới, Kou, lẹt quẹt bao tải, ùa vào xếp hàng. Vết bột Thanakha bôi trên mặt do phơi nắng lâu đã dần rạn vỡ.

Đứng đợi khá lâu, mới tới lượt, mắt cậu bé sáng lên khi nhận được sữa, bánh và một chút tiền. Hôm nay, làng Sagaing đã có nhiều chuyến xe cứu trợ hơn. Những khoảng sân trống luôn có phương tiện ra vào.

Kou, sau khi đi qua 3 vòng, quay lại khoe với chúng tôi. Bao tải đã có 5, 6 chai nước loại 1 lít. Túi bóng và balo mang theo cũng có thêm vài gói bánh. Trước khi đoàn rời đi, Kou cùng đoàn người không quên cúi chào và cất tiếng hát.

"Cám ơn vì đã giúp đỡ. Cám ơn vì những món quà. Chúc bình an cho các bạn", Ja Naw Dawsh dịch lại.

Chiếc bao tải chứa 5-6 chai nước - Điều mà cậu bé 15 tuổi khoe lại với chúng tôi sau 3 vòng đi nhận hàng cứu trợ.

Chiếc bao tải chứa 5-6 chai nước - Điều mà cậu bé 15 tuổi khoe lại với chúng tôi sau 3 vòng đi nhận hàng cứu trợ.

Vị sư già bên chùa còn lấy ra hai chiếc vòng tay cầu phúc, một đỏ, một đen buộc lên tay tôi như chỉ dấu may mắn. Tiếng hát từ làng Sagaing bằng tiếng địa phương cứ ê a vang lên dưới cái nắng gay gắt, ê a chung quanh chân tượng vàng gần đó đã sập đổ. Tiếng hát như một lời nguyện cầu bình an chung từ tâm chấn Sagaing…

Trên đường quay trở lại Mandalay, Ja Naw Dawsh cho biết: Cùng ngày, sân bay địa phương đã chính thức hoạt động trở lại. Chỉ một lát nữa thôi, Dawsh sẽ đi đón cha từ Yagon bay về sau đại địa chấn.

Những hy vọng cho một nhịp sống bình thường mới đang dần được nhen lên trong lòng cố đô ven dòng Ayeyarwady vĩ đại… Sớm bình yên nhé Myanmar...

Tiếng hát cầu bình an từ làng Sagaing.

Tiếng hát cầu bình an từ làng Sagaing.

Nội dung: Sơn Bách - Thành Đạt
Trình bày: Diệc Dương