Châu Âu nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng

Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí rằng, khối này cần tăng cường an ninh lương thực, cải thiện tính bền vững của nông nghiệp và thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ thuật hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các bộ trưởng, một trong những giải pháp cốt lõi để sản xuất đủ lương thực mà vẫn bảo đảm tính bền vững là ứng dụng các công nghệ nghiên cứu, đổi mới và hiện đại, trong đó bao gồm cả phương thức canh tác chính xác, nhằm giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.

Nhằm giảm nhẹ những khó khăn cho người dân trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, Chính phủ Italia đã thông qua gói viện trợ thứ 3 trị giá khoảng 14 tỷ euro để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp. Gói viện trợ mới bao gồm khoản trợ cấp một lần số tiền 150 euro cho những người có thu nhập dưới 20.000 euro/năm, 190 triệu euro cho những nông dân gặp khó khăn vì chi phí năng lượng tăng và 100 triệu euro cho lĩnh vực giao thông công cộng.

Chính phủ Bỉ cũng đã thông qua gói các biện pháp năng lượng mới nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng phó tình trạng giá năng lượng tăng vọt. Nhờ vào các biện pháp mới, hóa đơn tiền điện và khí đốt của các hộ gia đình sẽ giảm khoảng 400 euro/tháng trong các tháng 11 và tháng 12 tới.

Ðức có thể quốc hữu hóa công ty năng lượng Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất tại Ðức, sau khi chi khoảng 19 tỷ euro hỗ trợ công ty này. Chính phủ Ðức cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ euro, bao gồm các biện pháp gia hạn giảm giá phương tiện giao thông công cộng và giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng.

Trong khi đó, Anh chi hơn 100 tỷ bảng Anh để giảm hóa đơn năng lượng cho người dân trong hai năm và hỗ trợ các doanh nghiệp. Tây Ban Nha cũng giảm thuế VAT đối với hóa đơn khí đốt từ 21% xuống 5% từ tháng 10 tới. Phần Lan và Thụy Ðiển sẽ hỗ trợ hàng tỷ USD để bảo đảm khả năng thanh khoản cho các công ty điện lực.