Các nền kinh tế lớn đối mặt nhiều khó khăn

Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản đang đối mặt một loạt khó khăn trong bối cảnh tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 gặp nhiều trắc trở, giá dầu tăng mạnh khiến bão lạm phát hoành hành trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Người dân mua sắm Giáng sinh tại phố mua sắm chính Hohe Strasse (High Street) ở Cologne, Đức, ngày 12/12/2020. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa: Người dân mua sắm Giáng sinh tại phố mua sắm chính Hohe Strasse (High Street) ở Cologne, Đức, ngày 12/12/2020. (Ảnh: Reuters)

Sau một giai đoạn phục hồi ấn tượng, nền kinh tế “đầu tàu thế giới” là Mỹ đang suy giảm tăng trưởng mạnh. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 25/8, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm trong quý II/2022 song vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó. GDP quý II của Mỹ đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo giảm 0,9% mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 7 vừa qua.

Báo cáo của Chính phủ Mỹ nêu rõ, việc điều chỉnh tăng dự báo trong dữ liệu gần đây nhất chủ yếu phản ánh đà tăng xuất khẩu và mức giảm chi tiêu ít hơn dự kiến của chính phủ liên bang, trong khi chi tiêu tiêu dùng tăng cao. Sau khi giảm mạnh 1,6% trong quý I, dữ liệu GDP cập nhật nêu trên vẫn làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái sau khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

Các nền kinh tế châu Âu cũng đối mặt nhiều khó khăn và triển vọng kinh tế của khu vực này khá u ám trong bối cảnh lạm phát leo thang, cuộc chiến Nga-Ukraine còn diễn biến phức tạp.

Mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế đã gia tăng mạnh tại Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong những tuần gần đây. Số liệu công bố ngày 25/8 của Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho thấy GDP của Đức trong quý II đã tăng 0,1% so với quý I-mức tăng nhẹ so với dự báo bằng 0 trước đó.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Destatis, ông Georg Thiel, căng thẳng Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn hiện nay, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá cả tăng cao. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hauck Aufhäuser Lampe thì nhận định các công ty sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá năng lượng tăng, tình trạng thiếu nguyên liệu và tắc nghẽn nguồn cung. Chỉ số quản lý mua hàng của S&P Global đã giảm 0,5 điểm xuống 47,6 điểm, cho thấy hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục chững lại trong tháng 8.

Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế cũng đã suy giảm trong những tháng vừa qua. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng GDP của nước này trong quý II vừa qua giảm 2,6% so với quý trước. Tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm nay đạt 2,5%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc giảm mạnh xuống còn 4,3% trong năm 2022-thấp hơn 0,8% so với dự báo hồi tháng 12.

Trong khi đó tại Nhật Bản, nền kinh tế cũng đang thiếu động lực và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai. Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo GDP của nước này tăng 2,2% trong quý II, thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Theo truyền thông Nhật Bản, tiêu dùng cá nhân vẫn tăng trưởng chậm trong quý II mà không có sự phục hồi như mong đợi.

Theo một cuộc khảo sát do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện, thu nhập thực tế của hộ gia đình trong quý II giảm 2% so với một năm trước đó, trong khi chi tiêu tiêu dùng thực tế giảm 0,7%. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo các chính sách kinh tế và an ninh của Nhật Bản có khả năng tạo ra những “làn gió ngược” cho nền kinh tế Nhật Bản trong tương lai khi làm gia tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp. Trước triển vọng ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Văn phòng Nội các Nhật Bản gần đây giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) từ 3,2% xuống 2%.

Việc các nền kinh tế lớn, đặc biệt là kinh tế Mỹ, suy giảm tăng trưởng đang gây quan ngại cho kinh tế thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái có thể làm xấu đi môi trường tăng trưởng của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống còn 3,2%, do sự hạ nhiệt nhanh chóng của kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Thực trạng nêu trên đang đòi hỏi chính phủ các nước phải bổ sung các gói biện pháp kích thích kinh tế; đồng thời, các quốc gia phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng đối phó lạm phát, dịch bệnh và các thách thức chung của kinh tế thế giới.