Các đơn vị hành chính cấp xã mới sẵn sàng vận hành

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, 12 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với sự đồng thuận rất cao của người dân. Bộ máy hành chính mới sẵn sàng vận hành phục vụ nhân dân từ ngày 1/1/2025.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân Phường 6 (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) trước thời điểm phường này sáp nhập với Phường 7. (Ảnh QUANG QUÝ)
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân Phường 6 (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) trước thời điểm phường này sáp nhập với Phường 7. (Ảnh QUANG QUÝ)

Với tinh thần chủ động, khẩn trương, “đi trước một bước”, các tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính phải sắp xếp dịp này đã thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức đảng, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở những phường thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2023-2025 bảo đảm đúng quy định, quy trình, dân chủ, công khai, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, BÀI BẢN

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, trong đợt này, thành phố Hà Nội thực hiện sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã của thành phố. Hiện các công việc đã hoàn tất, bộ máy 56 đơn vị hành chính cấp xã mới sẵn sàng vận hành từ ngày 1/1/2025 với sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị cũng như trong nhân dân.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều quận, huyện đã thực hiện xong công tác sắp xếp, thực hiện công bố quyết định về công tác sắp xếp, sáp nhập các phường, xã. Quận ủy Quận 3 vừa tổ chức lễ công bố các quyết định sáp nhập và chỉ định nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ Phường 9 và Ban Chấp hành Đảng bộ Phường 12.

Bí thư Quận ủy Quận 3 Nguyễn Thanh Xuân yêu cầu, tại đơn vị mới, các đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy cần nêu cao trách nhiệm của người đảng viên, xây dựng chi bộ thành một tập thể đoàn kết, thống nhất; thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phần việc trong công tác sáp nhập phường; tập trung phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương năm 2025; lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2025-2030.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được các địa phương cân nhắc, tính toán yếu tố nhằm tạo không gian phát triển mới, với tư duy mới, giá trị mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, ưu tiên những nơi có điều kiện phát triển lên đô thị. Huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đã điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Mỹ và xã Nghĩa Phương để nhập vào thị trấn Sông Vệ nhằm mở rộng không gian phát triển đô thị cho thị trấn; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số còn lại của xã Nghĩa Mỹ vào xã Nghĩa Phương để tạo ra những cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Với tinh thần chủ động, khẩn trương, “đi trước một bước”, các tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính phải sắp xếp dịp này đã thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức đảng, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở những phường thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2023-2025 bảo đảm đúng quy định, quy trình, dân chủ, công khai, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Sau khi sắp xếp không chỉ giảm một đơn vị hành chính cấp xã là Nghĩa Mỹ, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các đơn vị hành chính mới. Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ông Đặng Quế, ở xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi bộc bạch: “Người dân rất phấn khởi khi sát nhập xã Nghĩa An và Nghĩa Phú thành đơn vị hành chính mới là xã An Phú. Xã mới không chỉ thuận lợi về giao thông mà còn tương hỗ, phát triển kinh tế đồng đều giữa các ngành nghề. Đây là yêu cầu tất yếu, mở ra giai đoạn lịch sử mới, tạo động lực cho địa phương tiếp tục bứt phá, xây dựng và phát triển trở thành phường vào năm 2025”.

Chính quyền các tỉnh, thành phố đều yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn hình thành sau sắp xếp phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bạch Mai Nguyễn Thùy Dương, sau sáp nhập, một công việc quan trọng mà phường phải bắt tay vào làm ngay là hỗ trợ người dân có nhu cầu đính chính địa chỉ trong giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính. Ủy ban nhân dân phường bố trí cán bộ làm 3 ca, làm cả vào buổi tối và thứ bảy, chủ nhật để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về việc điều chỉnh, cập nhật thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết: “Công an cấp huyện, cấp xã chủ động điều chỉnh thông tin, hồ sơ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tàng thư căn cước, tàng thư cư trú để phục vụ người dân khai thác, sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan”.

SẮP XẾP KHOA HỌC, NHÂN VĂN

Vấn đề được nhiều người quan tâm sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là việc bố trí, sắp xếp công tác cho cán bộ, công chức. Các tỉnh, thành phố đều đã xây dựng lộ trình, phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn, đáp ứng nguyện vọng và phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, công chức; đồng thời có các chính sách hỗ trợ cho nhân sự dôi dư nhằm ổn định tâm tư, đời sống của cán bộ, công chức.

Với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, 80 phường thuộc 10 quận của Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành quá trình sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội, chỉ định ban chấp hành các phường mới. Thành phố có 1.022 nhân sự dôi dư sau sắp xếp.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, số lượng nhân sự dôi dư sẽ được sắp xếp theo phương án nhân sự của từng quận. Cán bộ dôi dư có thể được điều động về các phòng, ban của quận còn thiếu nhân sự hoặc được tiếp nhận để làm công chức. Ngoài chế độ của Trung ương, cán bộ, công chức phường phải nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính được thành phố trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác, và từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác sẽ được cấp thêm nửa tháng lương.

Tại tỉnh Phú Thọ, huyện Đoan Hùng là địa phương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất của tỉnh trong giai đoạn 2023-2025, khi sáp nhập 14 xã, thị trấn để thành lập sáu đơn vị hành chính mới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Văn Vấn cho biết, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức hội nghị gặp gỡ cán bộ, công chức xã thuộc diện có thể nghỉ trước tuổi, giao Phòng Nội vụ cùng với Ban Tổ chức Huyện ủy tính toán chế độ được hưởng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để tất cả cán bộ, công chức nghiên cứu.

Các đơn vị hành chính cấp xã mới sẵn sàng vận hành ảnh 1

Lãnh đạo huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ trao Quyết định thành lập tổ chức Đảng khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025. (Ảnh: Ngọc Long)

Trưởng phòng Nội vụ huyện Đoan Hùng Cao Ngọc Mai cho biết, trong quá trình sắp xếp, huyện có 53 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ trước tuổi, trong đó có 16 đồng chí là Bí thư, Chủ tịch, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch xã, thị trấn. Tất cả các đồng chí nghỉ hưu trước tuổi đều có tư tưởng thoải mái, tự nguyện nghỉ hưu theo quy định và không có trường hợp nào cấp ủy, chính quyền địa phương phải vận động. Đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp, huyện điều chuyển cán bộ, công chức dôi dư giữa các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện; hoặc biệt phái công chức đến các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế theo kế hoạch đề ra.

Ở thành phố Việt Trì, trong đợt sắp xếp lần này, phường Bến Gót sáp nhập vào phường Thọ Sơn. Trong đó, phường Bến Gót có hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt xin nghỉ hưu trước tuổi là đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và đồng chí Phó Bí thư Thường trực. Trong đó, đồng chí Đỗ Thị Tâm, Phó Bí thư Thường trực xin về hưu trước 9 năm, cho biết: “Chia sẻ khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự dôi dư với Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố khi sắp xếp đơn vị hành chính, tôi đã chủ động viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ phát triển”.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã ở thành phố Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức và Tư Nghĩa dôi dư 55 người. Đến hết năm 2029, tỉnh sẽ hoàn thành giải quyết chế độ, chính sách cho số người dôi dư này. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi Tạ Công Dũng cho biết, quan điểm của tỉnh là sắp xếp trên tinh thần bố trí vị trí tương xứng cho cán bộ, có thể điều chuyển từ xã này sang xã khác hoặc sang huyện khác.

Trường hợp dôi dư không sắp xếp được phải thực hiện chính sách. Tháng 11/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Nhờ vậy, các cán bộ nghỉ công tác sau sắp xếp có tâm lý thoải mái.

Các đơn vị hành chính cấp xã mới sẵn sàng vận hành ảnh 2

Sau khi sát nhập, không gian xã An Phú, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) mở rộng, tạo động lực để địa phương hoàn thành các tiêu chí trở thành phường vào năm 2025. (Ảnh: HIỂN CỪ)

Chị Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, một trong những cán bộ không chuyên trách dôi dư sau khi sáp nhập xã Nghĩa An và Nghĩa Phú thành đơn vị hành chính mới xã An Phú thổ lộ: “Ban đầu nghe tin nghỉ việc, tôi cũng buồn. Nhưng tôi nghĩ, mình còn trẻ, có thể tìm việc khác để làm. Tôi mong được hưởng chính sách đãi ngộ hợp lý và hy vọng chính quyền mới sẽ chỉ đạo, lãnh đạo đưa địa phương vươn mình lên tầm cao mới, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục giấy tờ cho người dân”.

Việc sắp xếp đối với phần trụ sở công bị dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được chính quyền các tỉnh, thành phố rà soát, có kế hoạch sử dụng.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trong tổng số 109 trụ sở làm việc cấp xã bị dôi dư sau khi sắp xếp, theo phương án xử lý của các quận, huyện, thị xã đề ra, có 99 trụ sở được giữ lại làm nơi làm việc của đơn vị hành chính mới hoặc chuyển đổi công năng thành nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; sáu trụ sở được điều chuyển làm trường học hoặc trụ sở của công an xã; 4 trụ sở được điều chuyển về Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tại tỉnh Phú Thọ, 2 huyện và thành phố Việt Trì có các đơn vị hành chính sắp xếp đợt này đang chờ hướng dẫn của tỉnh về việc sử dụng trụ sở dôi dư. Trước mắt sẽ bố trí trụ sở dôi dư cho lực lượng quân đội, công an và một số tổ chức chính trị, xã hội của xã sử dụng để tránh gây lãng phí, xuống cấp.