Triển khai khẩn trương, quyết liệt
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, UBND thành phố Bắc Giang đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo Đề án nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang bảo đảm thời gian, tiến độ theo yêu cầu.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án có sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Thành ủy, tạo điều kiện giúp đỡ chuyên môn của các sở, ngành của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng.
Việc nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang thực sự cần thiết, là yêu cầu khách quan, bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, là điều kiện để thành phố xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng-kỹ thuật, tổ chức lại các phân khu chức năng một cách hợp lý hơn như: các khu trung tâm hành chính, thương mại-dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp…; tăng cường đầu tư, tạo thuận lợi thu hút các nguồn lực để xây dựng thành phố và phù hợp với chủ trương của tỉnh Bắc Giang và các định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Giang nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phù hợp với định hướng đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía bắc.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang nhằm cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; từng bước sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã có diện tích và quy mô dân số nhỏ nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính, bảo đảm mục tiêu chung là đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ đó, tạo nguồn lực, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm chi ngân sách, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của xã hội cũng như sự chuyển đổi về phương thức quản lý, điều hành trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, công dân số, xã hội số...
Do địa bàn rộng nên quá trình rà soát, thu thập số liệu, đánh giá thực trạng đơn vị hành chính trên từng địa bàn phường, xã gặp khó khăn. Khi xây dựng Đề án nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang phải tiến hành đồng thời việc hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị (trình tự, thủ tục liên quan đến quy hoạch và phân loại, rà soát đánh giá chất lượng đô thị) với việc xây dựng Đề án. Với quyết tâm cao nỗ lực vượt khó, khối lượng công việc lớn đã hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang Đào Công Hùng cho biết, UBND thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện bài bản, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tập trung triển khai hiệu quả các nội dung liên quan theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành.
Nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, đa dạng nội dung, hình thức về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính như: tại các hội nghị, trên cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh, mạng xã hội Facebook, Zalo Phủ Lạng Thương, màn hình led, hàng trăm pano tuyên truyền tại các nhà văn hóa và trụ sở UBND các phường xã, trên các tuyến đường. Nội dung tuyên truyền còn được lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề chi bộ để đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động nhận thức rõ về mục đích và ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính, xác định rõ tư tưởng việc sắp xếp là cần thiết, tất yếu.
Chủ tịch UBND thị trấn Tân An Chu Văn Giáp cho biết nhân dân đồng tình, nhất trí cao. Thời điểm sáp nhập thị trấn Tân Dân với xã Tân An để thành lập thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng nhiều năm trước, bà con đồng thuận, nay thành lập phường Tân An trên cơ sở nhập xã Lão Hộ và thị trấn Tân An có nhiều điểm tương đồng, có nhiều dư địa phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng; huyện Yên Dũng nhiều tiềm năng, nhập với thành phố Bắc Giang càng phát triển mạnh mẽ, người dân phấn khởi.
Điều băn khoăn, lo lắng của nhiều người là nhiều loại giấy tờ của công dân ảnh hưởng khi giao dịch, giải quyết công việc, cán bộ tuyên truyền thấu đáo cho bà con là sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất làm thủ tục hành chính điều chỉnh thông tin, chuyển đổi các giấy tờ liên quan sau sáp nhập.
Ngày 21/4/2024, thành phố Bắc Giang tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn 16 phường, xã về Đề án nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang, tỷ lệ cử tri đồng ý với việc nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố đạt 98,17% và đã được 100% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tán thành. Việc lấy ý kiến cử tri về Đề án được bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy trình.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân thuận lợi
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì địa bàn rộng, dân số đông, số lượng hồ sơ tiếp nhận nhiều trong khi số nhân sự giảm, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trong thời gian đầu, khi người dân phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ khi thay đổi tên đơn vị hành chính. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có biện pháp tích cực hỗ trợ người dân khi giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến điều chỉnh thông tin; đồng thời, yêu cầu sự tập trung, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức.
Sau sắp xếp đòi hỏi cán bộ công chức nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phục vụ người dân tốt hơn. |
Đòi hỏi đặt ra với thành phố Bắc Giang là thực hiện nghiêm túc công tác sắp xếp công tác cán bộ bảo đảm lộ trình theo chỉ đạo của tỉnh và các quy định liên quan về tổ chức bộ máy, chỉ tiêu biên chế...; chủ động, kịp thời giải quyết chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ và của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với cán bộ, công chức dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, có biện pháp sử dụng hiệu quả đối với trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc UBND thành phố quản lý.
Phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, trụ sở, cơ sở vật chất được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng. Cán bộ công chức thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng có truyền thống đoàn kết, gắn bó hỗ trợ nhau trong công tác nên sau khi sáp nhập, tuy địa bàn và số lượng cán bộ công chức đông, nhưng phân chia mảng công việc, địa bàn phụ trách hợp lý sẽ phát huy được sức mạnh.
Với các xã sáp nhập khi lên phường, công tác quản lý chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn sang đô thị, thành phố sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức để sớm bắt nhịp, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Sau khi sáp nhập phường Lê Lợi vào phường Trần Phú, phường Trần Phú có diện tích tự nhiên là 1,89km2 và quy mô dân số là 21.299 người. Lãnh đạo phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang cho biết, cán bộ xác định công tác ở phường nào cũng là cống hiến cho thành phố, khi đã làm tốt thì ở môi trường mới đôi khi còn tốt hơn, vì học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ cách điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo mới, đỡ sức ì.