Các doanh nghiệp hội viên VSA xuất khẩu hơn 6,7 triệu tấn thép

NDO - Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 10 tháng năm 2023, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp hội viên VSA có kết quả tích cực khi sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng trưởng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất thép tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Sản xuất thép tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 lần lượt là Italia, Campuchia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bỉ, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Dấu ấn xuất khẩu tăng trưởng 201% so với cùng kỳ năm 2022 ghi nhận ở mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) với mức sản lượng đạt hơn 2,8 triệu tấn; tiếp sau đó là tôn mạ đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng trưởng 2,8%; ống thép đạt 0,25 triệu tấn, tăng trưởng 17%. Hai mặt hàng giảm mạnh gồm thép xây dựng đạt 1,4 triệu tấn, giảm 27% và thép cuộn cán nguội đạt 0,36 triệu tấn, giảm 16,4%.

Các doanh nghiệp hội viên VSA xuất khẩu hơn 6,7 triệu tấn thép ảnh 1

Nguồn: VSA

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thép là thị trường EU khi các đối tác lớn nhập khẩu thép của Việt Nam đều có tỷ lệ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Italia là nước nhập khẩu thép của Việt Nam nhiều nhất với hơn 1,35 triệu tấn, tăng trưởng 128%, Bỉ nhập khẩu 0,49 triệu tấn, tăng 30%, Tây Ban Nha nhập 0,35 triệu tấn, tăng 70,2%.

Theo Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER), Việt Nam chiếm 8,1% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào châu Âu trong 8 tháng năm 2023. Trong khi nhập khẩu thép thành phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ giảm mạnh (lần lượt là -59%, -11% và -3%) thì nhập khẩu từ Việt Nam tăng 15%.

Đáng chú ý, Ấn Độ đã trở thành thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2023, sản lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Ấn Độ đạt hơn 0,73 triệu tấn với giá trị hơn 539,7 triệu USD, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2022 về sản lượng và tăng 7,8 lần về giá trị. Sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ kẽm. Trong đó, HRC là mặt hàng mới mà Ấn Độ chưa nhập khẩu từ Việt Nam trong năm tài chính 2021/2022.

Các doanh nghiệp hội viên VSA xuất khẩu hơn 6,7 triệu tấn thép ảnh 3

Nguồn: VSA

Hiện, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) cũng đã cập nhật về triển vọng ngắn hạn cho năm 2023 và 2024 với dự báo nhu cầu thép sẽ tăng 1,8% trong năm 2023 và đạt 1.814,5 triệu tấn sau khi giảm 3,3% trong năm 2022. Năm 2024, nhu cầu thép dự kiến tăng 1,9% đạt 1.849,1 triệu tấn.

Worldsteel cho biết, nhu cầu thép đang chịu tác động của lạm phát và lãi suất cao. Kể từ nửa cuối năm 2022, hoạt động của các ngành sử dụng thép đã giảm nhiệt mạnh ở hầu hết các ngành và khu vực do cả đầu tư và tiêu dùng đều suy yếu. Tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023, đặc biệt ảnh hưởng đến EU và Mỹ. Các nền kinh tế mới nổi được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển, trong đó châu Á vẫn duy trì được khả năng phục hồi.