Chiều 31/10, tiếp tục nội dung thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về các nội dung như: đánh giá, đo lường hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ; xử lý nguồn vốn tồn đọng tại Quỹ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ
Giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho hoạt động khoa học, công nghệ vẫn được Quốc hội thông qua, trung bình vào khoảng 0,79% tổng chi ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng, hoạt động khoa học, công nghệ là hoạt động có nhiều tính đặc thù, bản chất nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính rủi ro và có độ trễ. Các nghiên cứu khoa học triển khai trong nhiều giai đoạn và nhiều kết quả nghiên cứu thành công còn cần tiếp tục được đầu tư từ nguồn lực ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực của xã hội để phát huy trong thực tế.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để qua đó phản ánh được tình hình và kết quả hoạt động khoa học, công nghệ chủ yếu của đất nước, làm cơ sở trong việc đánh giá, dự báo tình hình hoạt động, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ từng thời kỳ.
Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 03 ngày 15/5/2018 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học, công nghệ và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học, công nghệ.
Quang cảnh phiên họp chiều 31/10. Ảnh: THỦY NGUYÊN |
Bộ trưởng cho biết, đóng góp của khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu, bao gồm: chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam GII… Các chỉ tiêu này trong giai đoạn 2016-2020 đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, Bộ cũng đã thực hiện xây dựng và công bố Sách Trắng hằng năm về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, tổ chức đánh giá, thử nghiệm nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam, qua đó, đánh giá được mối tác động giữa các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với phát triển kinh tế-xã hội ở từng vùng, miền.
Về thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định đây là vấn đề luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo.
Theo đó, khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học, công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 70% đến 80% tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ. Đến nay, đầu tư cho khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48% trong giai đoạn đến năm 2030.
Bộ trưởng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đạt tỷ trọng này là 30% và 70% như trung bình của các nước có nền khoa học, công nghệ tiên tiến.
Gỡ rối cho Quỹ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp
Liên quan Quỹ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2021 có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập quỹ với tổng số tiền hơn 23 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số đã sử dụng đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 60%.
Theo Bộ trưởng, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập quỹ khá khiêm tốn, và chỉ một số doanh nghiệp lớn như Viettel, PVN, VNPT… có khả năng trích lập quỹ với số tiền tương đối lớn. Trong khi đó, gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập quỹ, điều này cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ chưa phù hợp, hấp dẫn.
Ngoài ra, quy định hiện nay không cho phép sử dụng quỹ để mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của quỹ…
Thực hiện Nghị quyết số 03 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022 để hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp. Ảnh: THỦY NGUYÊN |
“Thông tư này đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tôn trọng vai trò tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động quyết định hướng nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” – Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Theo đó, để khuyến khích hơn nữa việc các doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ trong giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất với Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Khoa học, công nghệ năm 2013, Nghị định số 95 về cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học, công nghệ để nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp, tăng tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong việc trích lập và sử dụng quỹ. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư từ nguồn quỹ cho khoa học, công nghệ và phát triển công nghệ.
Về vấn đề nhiệm vụ khoa học, công nghệ dừng thực hiện mà đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) đã nêu trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, theo Báo cáo số 2273 của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 26/9/2022 gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong cả giai đoạn 2016-2021 có 86 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, chiếm 4% tổng số nhiệm vụ được xử lý dừng thực hiện theo quy định, vì các nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng cho biết hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ mang tính đặc thù, không thể 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công.
Nhấn mạnh nghiên cứu khoa học là hoạt động dấn thân, thám hiểm của các nhà khoa học vào các vấn đề, lĩnh vực có tính chất mới, Bộ trưởng cho rằng ngay cả một hướng nghiên cứu không thành công cũng có giá trị đóng góp nhất định cho việc phát triển khoa học và công nghệ.