Ca sĩ của Trường Sa

NDO - Hiếm ca sĩ nào có được nhiệt tình và cơ may như anh: 23 lần đến với Trường Sa, 23 lần đến với những người lính đảo, hiểu rõ thế nào là lẽ sống, được hát và được yêu hết mình. Anh từng tâm sự rằng, càng đến với đảo anh càng thêm gắn bó với đảo và hát truyền cảm hơn. Ðiều đó không chỉ các chiến sĩ nơi đảo xa biết rõ, mà đông đảo công chúng yêu giọng hát của anh biết rõ. Vâng, chúng tôi đang nói về ca sĩ, trung tá Hoàng Nguyên, Phó trưởng Ðoàn Nghệ thuật Hải quân...

Chúng tôi tìm gặp anh ở trụ sở Ðoàn, nơi anh gắn bó đã hơn ba chục năm. Ðúng như tính cách bộc trực, thẳng thắn và rất cởi mở của anh, Hoàng Nguyên đã tâm sự những điều gan ruột chung quanh những chuyến biểu diễn ngoài đảo mà anh đã từng nếm trải và chứng kiến. Anh bảo: "Lần đầu đến Trường Sa, năm 1982, mình vẫn là một thanh niên, giờ đã sắp là... ông ngoại, vậy mà cái cảm giác náo nức vẫn vẹn nguyên như thuở nào".

Còn những người lính Hải quân thì "rất thuộc" anh. Ra đảo không bao giờ anh cho phép mình bỏ phí một phút, một giây. Hoàng Nguyên hát bất cứ ở đâu, hát bất cứ khi nào, kể cả hát "chay". Giữa hàng trăm chiến sĩ hay chỉ một người lính, anh vẫn hát bằng cả trái tim của người ca sĩ, người nghệ sĩ - chiến sĩ. Anh luôn coi đảo là nhà, chiến sĩ là người thân, coi mình như một người lính đảo, sẻ chia và yêu thương, luôn dành cho người lính những tình cảm trân trọng nhất.

Hoàng Nguyên xúc động: Bây giờ đến Trường Sa, nhìn những hòn đảo được bao phủ bởi một mầu xanh, khó có ai tưởng tượng được rằng cách đây gần 30 năm, nơi đây chỉ toàn một mầu trắng bạc của cát và đá san hô hòa cùng mầu nắng. Cả đảo chỉ vài căn nhà mái tôn, tường quây bằng gỗ, chung quanh được che chắn bởi những bao cát. Biết vậy lại càng thêm tự hào, càng quý trọng công sức của các thế hệ người lính nơi đây. Các anh không cam chịu sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đảo xa, mà sống chung với nó; không chỉ gìn giữ vùng biển, đảo quê hương mà còn cải tạo được môi trường sống, kéo biển đảo gần với đất liền hơn. Nhìn những khuôn mặt hớn hở, rạng rỡ của những người chiến sĩ trên đảo, dưới những tán cây phong ba, trái bàng vuông, hay bên những luống rau xanh mơn mởn lại càng thấm thía câu thơ "có sức người sỏi đá cũng thành cơm"...

Lặng đi một lúc, ca sĩ Hoàng Nguyên nhớ lại: Lúc đó phương tiện "hành nghề" của Ðoàn chỉ có một cây đàn ghi-ta gỗ, một kèn cla-ri-nét và bảy người lính văn công trẻ: Hoàng Nguyên, Minh Khang, Tô Thủy, Ngọc Minh, Thanh Bình, Duy Thọ, Vi Lành. Và cứ thế, họ đã mang nhiệt huyết của tuổi trẻ làm bừng sáng không gian của mỗi đảo. Ðến đảo là hát, hát bên cột mốc chủ quyền, trên bờ cát, hát say sưa dưới chiến hào, ụ súng, hát như chưa từng được hát, hát như đốt chính mình trong mỗi ca từ. Bằng tiếng hát của mình, họ đã thổi vào trái tim những người chiến sĩ nơi đảo xa ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước và niềm lạc quan yêu đời. Có những hôm đi biển sóng cấp 6, cấp 7, cả đội văn công nằm bẹp dí vì say sóng, nhưng khi nghe thuyền trưởng thông báo tàu sắp đến đảo nào đó, tất cả lại ríu rít như chim. Và khi bước chân lên đảo, những khuôn mặt mệt nhoài trước đó biến đâu mất, thay vào đó là những nụ cười, tiếng hát, đậm đà tình cảm đất liền sưởi ấm trái tim người lính đảo. Ðến các đảo chìm họ ngồi ngay xuống dưới sàn nhà, bờ đảo, đệm đàn cho chiến sĩ hát, rồi lại hát "theo yêu cầu" của các chiến sĩ.

Nhắc đến kỷ niệm Trường Sa, Hoàng Nguyên cười giòn: Nhiều, nhiều lắm, khó có thể kể hết. Nhưng có một kỷ niệm "độc đáo" làm tôi nhớ mãi. Số là lần đó, đang biểu diễn ở đảo Trường Sa đông. Anh em đề nghị tôi hát bài "Mưa Trường Sa"của nhạc sĩ Xuân An, bởi đã vài tháng đảo không có một giọt mưa. Mọi người muốn được "thưởng thức mưa" qua bài hát. Ðáp lại tình cảm của chiến sĩ, tôi đã hát. Và lạ thay, khi vừa cất tiếng hát "Mưa! Trời mưa, A ha trời mưa. Từng bàn tay với lên trời cao, vuốt trên mặt người, thẫm từng giọt mưa lẫn dòng nước mắt..." thì tự nhiên mây ùn ùn kéo đến và cả đảo... chìm trong mưa. Dưới trời đêm, các chiến sĩ không kịp cởi quân phục, để nguyên như vậy vẫy vùng dưới mưa, sung sướng la hét đón từng giọt mưa đầu mùa hiếm hoi của đảo. Từng đôi chân họ chạy tung tăng, hò reo như trẻ nhỏ. Hoàng Nguyên đã cảm nhận, sẻ chia cả niềm vui và nỗi  khát khao của người lính Trường Sa như thế. Chỉ có những ai đã từng sống, từng tận mắt chứng kiến cái nắng, cái mưa, cái gió và sự thiếu thốn nơi đây mới cảm nhận hết được những khó khăn vất vả của người lính đảo.

Nơi đảo xa, chỉ có nắng, gió, cát, sóng biển và những người lính đêm đêm thức ru cho biển, cho đảo, cho đất nước bình yên. Trong sâu thẳm lòng mình, Hoàng Nguyên thầm hiểu Trường Sa, hiểu những người lính Trường Sa đang cần nhiều, nhiều hơn nữa sự động viên tiếp sức từ đất liền và anh đã cất cao giọng hát tha thiết ngọt ngào "mưa đi mưa đi chúng tôi là mưa", và nhận lại sự reo hò, tán thưởng của những người lính: "mưa đi, mưa đi chúng tôi cần mưa", điệp khúc đó cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần giữa ca sĩ và lính đảo như  sự thúc giục, sự lên tiếng của những người lính và sự đáp lại của đất liền. Anh bảo, những người lính Trường Sa vẫn ngày đêm mong chờ, khắc khoải những cơn mưa từ đất mẹ. Những cơn mưa đó là nguồn động viên vô bờ đối với người chiến sĩ. Và chính các ca sĩ cùng tình cảm hậu phương đến từ đất liền là "những cơn mưa" làm dịu đi cái nắng chói chang, cái khát cháy bỏng của những người chiến sĩ Trường Sa.

Phải vậy chăng mà "Mưa Trường Sa" như một cung đàn tri âm, gắn kết nhạc sĩ Xuân An - Hoàng Nguyên - người lính Trường Sa và bao tâm hồn đồng điệu? Và dù đã hát không biết bao nhiêu lần, nhưng "Mưa Trường Sa" với Hoàng Nguyên lúc nào cũng mới. Mỗi lời ca, mỗi nốt nhạc ngân lên là những hạt mưa ngọt ngào tưới mát tâm hồn người chiến sĩ.

Ðã, đang và sẽ có nhiều ca sĩ đến với Trường Sa, đến với những người lính biển Hải quân. Nhưng trong lòng nhiều thế hệ lính đảo, Hoàng Nguyên là người nghệ sĩ đến với Trường Sa nhiều nhất, vẫn mãi mãi là "ca sĩ của Trường Sa".