Cả nước có hơn 609 nghìn hộ nghèo

NDO -

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc, cả nước có 609.049 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,23%.

Hướng dẫn người dân bản Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, trồng ngô năng suất cao. (Ảnh minh họa: Trần Hải)
Hướng dẫn người dân bản Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, trồng ngô năng suất cao. (Ảnh minh họa: Trần Hải)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc, cả nước có 609.049 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,23%.

Bên cạnh đó, tổng số hộ cận nghèo là 850.202 hộ, với tỷ lệ là 3,11%.

Cũng theo thống kê từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 3 tỉnh có số hộ nghèo cao nhất là Hà Giang (34.848 hộ), Điện Biên (36.996 hộ), Nghệ An (27.324 hộ).

Ngoài ra, 4 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng không còn hộ nghèo. Riêng thành phố Hải Phòng có 6.650 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,07%.

Số hộ nghèo, hộ cận nghèo công bố tại Quyết định trên là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế-xã hội khác năm 2021.

Năm 2021, Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 với chuẩn thu nhập bằng mức sống tối thiểu. Chúng ta đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp nhu cầu, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước từng thời kỳ. Lần đầu tiên, Việt Nam và là một trong hơn 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới, một trong những quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Về vay vốn tín dụng xã hội, đến hết năm 2021, giải ngân hơn 31.695 tỷ đồng cho 656.290 hộ, trong đó có 127.198 hộ nghèo, 233.662 hộ cận nghèo, 295.349 hộ mới thoát nghèo. Tổng dư nợ 107.153 tỷ đồng với hơn 2,68 triệu khách hàng đang dư nợ.

Trong năm 2021, các địa phương, cơ quan, ban ngành đoàn thể đã tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho người dân với khoảng 20 nghìn tỷ đồng được bố trí từ ngân sách bảo đảm thực hiện. Các chính sách hỗ trợ toàn diện cho người dân như hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh; giảm nghèo về thông tin.

Trung ương và các địa phương cũng ban hành kịp thời nhiều biện pháp bảo đảm an sinh xã hội đặc thù do ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đó là các chính sách hỗ trợ tiền mặt, lương thực, chăm sóc y tế, hỗ trợ máy tính, dịch vụ internet phục vụ học tập trực tuyến cho trẻ em nghèo; hỗ trợ chi phí nước sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội.

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% tỷ, từ 2,75% cuối năm 2020 xuống còn 2,23% cuối năm 2021. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%, từ 3,71% cuối năm 2020 xuống còn 3,37% cuối năm 2021.
Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp do năm 2021 vẫn tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 (chuẩn thu nhập chỉ còn bằng khoảng 45% mức sống tối thiểu nên đây là những người nghèo nhất). Nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên không thoát được nghèo, thậm chí tái nghèo, hoặc phát sinh nghèo mới.

Giai đoạn 2021-2025: Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1-1,5% mỗi năm

Giảm nghèo bao trùm, ưu tiên vùng lõi