Trợ giúp người lao động hưởng bảo hiểm xã hội khi nhiễm Covid-19

Theo quy định, Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là một trong những giấy tờ quan trọng trong bộ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Do đó, người lao động điều trị Covid-19 tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội mới được chi trả hưởng chế độ ốm đau.

Chế biến sản phẩm tại Công ty APT. (Ảnh minh họa: Phương Vy).
Chế biến sản phẩm tại Công ty APT. (Ảnh minh họa: Phương Vy).

Công văn 1492 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng khẳng định chỉ giải quyết chế độ ốm đau đối với trường hợp F0 điều trị tại nhà nếu có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Tuy nhiên, đoàn viên, người lao động là F0, nhất là F0 điều trị tại nhà hiện nay rất khó khăn để xin giấy xác nhận nghỉ ốm để hưởng bảo hiểm xã hội. Hoặc nhiều người nhiễm Covid-19 mới chỉ được cấp chứng nhận hoàn thành cách ly do chính quyền địa phương cấp mà chưa có hướng dẫn hoàn thành hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội. Điều này gây hoang mang và lo lắng cho người lao động.

Cũng theo phản ánh của nhiều công nhân lao động, họ không được hướng dẫn cụ thể về việc tới cơ quan nào để xin giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, nếu không xin được chứng nhận từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ không cho nghỉ theo quy định, ảnh hưởng việc chấm công và trả lương hằng tháng. Thực tế cho thấy, việc cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội mà Bộ Y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội đang không thống nhất, gây khó khăn cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Nhằm trợ giúp người lao động yên tâm sản xuất, bảo đảm lợi ích chính đáng, tại một số địa phương như Bắc Giang đã kịp thời đưa ra giải pháp giải quyết những khó khăn của người lao động trong việc thực hiện thủ tục khai báo y tế để được cách ly, chăm sóc, điều trị.

Cụ thể, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu sở y tế, ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; các địa phương, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp lập hồ sơ ban đầu và chuyển hồ sơ F0 là người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Khi doanh nghiệp phát hiện F0, cần thực hiện phân loại ngay theo tiêu chí cụ thể để bố trí cách ly, điều trị tại cơ sở thu dung hoặc đưa về nhà riêng, nhà trọ theo dõi, chăm sóc, không để F0 tự đi khai báo.

Nếu F0 cách ly, điều trị tại nhà trọ sẽ gửi hồ sơ đến trạm y tế nơi người lao động ở trọ. F0 điều trị tại cơ sở thu dung tỉnh sẽ gửi hồ sơ đến cơ sở thu dung, điều trị Covid-19. Nếu F0 cách ly, chăm sóc, điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị F0 của cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, gửi hồ sơ ban đầu và hồ sơ sau khi F0 khỏi bệnh đến trung tâm y tế các khu công nghiệp để được quyết định cách ly, điều trị và cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, điều trị...

Trước những bất cập trong giải quyết bức xúc của người dân nói chung, công nhân, lao động nói riêng, Bộ Y tế cần khẩn trương phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 56/2017/TT-BYT bảo đảm phù hợp hơn tình hình thực tế cũng như giải quyết quyền lợi của người dân nói chung, công nhân, lao động nói riêng sớm nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội.