Vào năm 2025: Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đạt tối thiểu 49%

NDO -

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dạy kỹ năng sống cho trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hà Nội (Ảnh minh họa: Fanpage Trung tâm).
Dạy kỹ năng sống cho trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hà Nội (Ảnh minh họa: Fanpage Trung tâm).

Mục tiêu chung là phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội; góp phần phòng ngừa người dân rơi vào hoàn cảnh nghèo, đặc biệt khó khăn.

Dự thảo nêu ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn.

Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đạt tối thiểu 49% số cơ sở vào năm 2025, 55% vào năm 2030 và 60% vào năm 2050.

Số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được tư vấn, trợ giúp và quản lý trường hợp từ các cơ sở trợ giúp xã hội đạt 75% vào năm 2025, tối thiểu 80% vào năm 2030 và tối thiểu 90% vào năm 2050.

Trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người phụng dưỡng, người tâm thần, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố.

Tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các điều kiện tối thiểu tiếp cận đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

Về nội dung quy hoạch, đến năm 2025 hình thành, phát triển 607 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, có 310 cơ sở công lập và tối thiểu 297 cơ sở ngoài công lập.

Đến năm 2030, hình thành, phát triển 706 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó có 317 cơ sở công lập và tối thiểu 389 cơ sở ngoài công lập.

Đến năm 2050, hình thành, phát triển 825 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó có 330 cơ sở công lập và tối thiểu 495 cơ sở ngoài công lập.

Sẽ nâng công suất phục vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội lên 70.000 đối tượng vào năm 2030 và 150.000 đối tượng vào năm 2050.

Dự thảo cũng nêu rõ về phân bố mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội với các vùng, miền; lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn.

Văn bản dự thảo đề cập một số giải pháp ưu tiên như: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động tổ chức, cá nhân góp vốn dưới dạng góp cổ phần, hợp tác, liên kết và được ưu tiên vay vốn tại các ngân hàng, quỹ đầu tư phát triển để đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội.

Tiếp đó, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm đáp ứng yêu cầu chăm sóc và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng trợ giúp xã hội.

Cùng với đó, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Ngoài ra, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ sở trợ giúp xã hội đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở và hoàn thiện chính sách thu hút cán bộ, nhân viên vào làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.