Cà Mau có 14 sản phẩm được bảo hộ

NDO - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay, Cà Mau có 12 sản phẩm được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu kết luận tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu kết luận tại hội thảo.

Thông tin trên được công bố tại hội thảo đổi mới sáng tạo trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ địa phương, do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức vào sáng 23/12.

Thời gian qua, Cà Mau đã triển khai nhiều hoạt động trong quản lý, hỗ trợ, xây dựng bảo hộ, khai thác phát triển quyền sở hữu công nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương.

Nhờ những nỗ lực trên mà đến nay, toàn tỉnh có 933 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Trong đó, 12 sản phẩm bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, gồm: Mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, mắm lóc Thới Bình, cá chình và cá bống tượng Tân Thành, bồn bồn Cái Nước, cá khoai Cái Đôi Vàm, chuối khô Trần Hợi, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau, đũa đước Mũi Cà Mau, than đước Mũi Cà Mau.

Cà Mau có 14 sản phẩm được bảo hộ ảnh 1

Hội thảo đổi mới sáng tạo trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ tại Cà Mau vào sáng 23/12.

Ngoài ra, tỉnh này có 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Tôm sú Cà Mau và cua Cà Mau. Hiện, Cà Mau đang xúc tiến triển khai: 1 dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cá nâu Mũi Cà Mau; 2 dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm bánh phồng tôm Hàng Vịnh-Cà Mau và sản phẩm ba khía Rạch Gốc Cà Mau.

Khó khăn, thách thức hiện nay của Cà Mau trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương là: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân còn lúng túng, chưa hiểu và nắm rõ quy trình, thủ tục xác lập quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Nguồn nhân lực làm công tác về sở hữu trí tuệ của tỉnh còn yếu, chưa có nhiều chuyên gia được đào tạo chuyên sâu.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí cho biết, trong thời gian tới, Cục tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng với địa phương và các cơ quan liên quan hỗ trợ việc xác lập quyền bảo hộ, các tài sản trí tuệ mà Cà Mau đã sở hữu và đăng ký; hỗ trợ tạo điều kiện cho tỉnh tham gia xây dựng các dự án thuộc chương trình sở hữu trí tuệ, đặc biệt bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận.

Để quản lý, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của Cà Mau hiệu quả, tới đây Cà Mau cần chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch chương trình phát triển nền tảng sở hữu trí tuệ xếp theo thứ tự ưu tiên. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành địa phương, các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất trong việc phát triển các tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tài sản trí tuệ - Cục trưởng Đinh Hữu Phí lưu ý.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của đại biểu tại hội thảo. Đồng chí Lê Văn Sử đề nghị, sau hội thảo này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tiếp các hội thảo chuyên sâu theo từng nhóm ngành hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Các địa phương trong tỉnh được yêu cầu chú trọng hơn nữa công tác tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà địa phương đang sở hữu. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, từ đó góp phần quản lý sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh một cách hiệu quả.