Ngày 30/10, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa có chủ trương bổ sung thêm hạng mục công trình biểu tượng con tôm Cà Mau và công trình nâng cấp đường Lê Duẩn (đoạn trước trung tâm hội nghị, dài khoảng 200m) vào Dự án đầu tư xây dựng quảng trường Phan Ngọc Hiển (thành phố Cà Mau).
Dự án đầu tư xây dựng quảng trường Phan Ngọc Hiển có tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6/2025. Đây là một trong nhiều công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.
Toàn dự án có tổng diện tích hơn 50.700 m2, gồm nhiều hạng mục, như: Sân khấu, hệ thống phun nước nghệ thuật, sân, đường nội bộ, chiếu sáng, cấp thoát nước...
Trước khi triển khai dự án nêu trên, quảng trường Phan Ngọc Hiển là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn tầm cấp vùng tại Cà Mau, cũng là nơi diễn ra chuỗi sự kiện Festival Tôm Cà Mau.
Để biểu tượng con tôm Cà Mau sớm được triển khai thi công, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án công trình giao thông Cà Mau) khẩn trương lập hồ sơ thiết kế các hạng mục phát sinh, đồng thời lập các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định.
Hạng mục công trình biểu tượng con tôm Cà Mau dự kiến được làm bằng bê tông cốt thép, ốp gốm, được xây dựng ngay tại vị trí biểu tượng con tôm Cà Mau hiện hữu (công trình phục vụ dịp Festival tôm Cà Mau, dạng 2D, kết cấu chủ yếu là thép và nhựa) và tận dụng lại phần móng của công trình cũ sau khi tháo dỡ...
Tác giả của biểu tượng nêu trên là ông Tô Minh Tấn đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận thông qua cuộc thi sáng tác biểu trưng con tôm Cà Mau.
Đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ tại Cà Mau phát triển lên gần 280.000ha, chiếm khoảng 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 40% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước.
Con tôm giúp chuỗi doanh nghiệp xuất khẩu tôm của địa phương này mang về khoảng hơn 1 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 89% trong tổng giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản và chiếm khoảng 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Cà Mau.
Thời gian qua, ngành tôm Cà Mau chi phối đến đời sống của khoảng hơn 50% dân số của người dân trong tỉnh (khoảng 600.000 người), ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hơn 350.000 lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 người.
Có giá trị xuất khẩu lớn và tác động đến số đông đời sống của người dân nên Cà Mau xác định ngành hàng tôm là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, có vai trò chủ lực trong xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Trong lòng người dân Cà Mau, từ lâu nay, con tôm cũng vì thế trở thành biểu tượng, mang lại cuộc sống mưu sinh, giúp nhà nông có cuộc sống đủ đầy, sung túc…