Lúa-tôm Cà Mau đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên trên thế giới

Đến năm 2030, Cà Mau phấn đấu có hơn 40.000 ha diện tích lúa-tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về ASC và một số chứng nhận về hữu cơ.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Trí Lực kiểm tra tôm sú nuôi xen canh trong ruộng lúa trước khi thu hoạch.
Nông dân xã Trí Lực kiểm tra tôm sú nuôi xen canh trong ruộng lúa trước khi thu hoạch.

Chiều 27/10, tại trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao Chứng nhận đạt chuẩn ASC Group cho gần 600ha tôm sú được nuôi xen canh trên đất trồng lúa tại vùng chuyên canh lúa-tôm của xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Đây không chỉ là diện tích tôm sú được nuôi trên đất lúa đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam mà còn là đầu tiên của thế giới.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, khi tôm sú kết hợp nuôi trong đồng lúa sẽ đạt điều kiện khắt khe theo quy định, môi trường sạch, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững. Vì lẽ đó mà thời gian qua, ngành chức năng tỉnh rất quyết tâm cùng với doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ để xây dựng dự án tại vùng lúa-tôm xã Trí Lực, để đến nay được công nhận ASC Group cho con tôm sú.

Lúa-tôm Cà Mau đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên trên thế giới ảnh 1

Ngành chức năng Cà Mau kiểm tra chất lượng tôm sú tại đồng lúa xã Trí Lực vào chiều 27/10.

Ở lĩnh vực chứng nhận hữu cơ quốc tế, Control Union là đơn vị thẩm định và chứng nhận hữu cơ được đánh giá cao bởi tính công bằng và khách quan. Vì vậy, khi đạt được chứng nhận ASC Group thì sản phẩm tôm sú Cà Mau sẽ đến được hầu hết thị trường khó tính trên thế giới, góp phần nâng cao giá trị không chỉ với con tôm sú địa phương mà còn nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân – ông Bằng chia sẻ.

Tỉnh Cà Mau có hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 280.000 ha nuôi tôm nước lợ. Trong số đó, vùng lúa-tôm của tỉnh khoảng hơn 40.000 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Thới Bình, một phần của huyện Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước và thành phố Cà Mau. Ở những vùng chuyên canh nêu trên, vào mùa hạn (mùa nắng), người dân nuôi tôm kết hợp thuỷ sản khác, còn vào mùa mưa nông dân rửa mặn đồng lúa để gieo trồng lúa kết hợp nuôi tôm.

Với xã Trí Lực, địa phương được chứng nhận ASC Group, xã có 2.900 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 700 ha lúa-tôm canh tác theo hướng sinh thái (hữu cơ) và đến nay đã có 378 ao nuôi với 565 ha của 252 hộ dân được công nhận ASC Group. Nhờ thực hành sản xuất sạch và thân thiện với môi trường mà sản phẩm của nông dân địa phương này được bao tiêu toàn bộ đầu ra, với giá cao từ 1.000 – 3.000 đồng/kg so với các vùng lân cận.

Lúa-tôm Cà Mau đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên trên thế giới ảnh 2

Đại diện Control Union trao chứng nhận ASC Group cho vùng nuôi tôm sú xã Trí Lực vào chiều 27/10.

Ngành tôm Cà Mau chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất, và chiếm 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh này. Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, được đầu tư công nghệ và các thiết bị hiện đại, công suất đạt hơn 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P,... Nhờ đó mà tôm Cà Mau được xuất khẩu qua hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận về ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland...

Trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, ngành chức năng Cà Mau đang xây dựng và mở rộng dần mô hình sản xuất lúa-tôm bền vững ở những khu vực đủ điều kiện. Trong đó, quy hoạch vùng lúa-tôm theo hướng sinh thái, hữu cơ chủ tại vùng Bắc Cà Mau. Ngành chức năng tỉnh này phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng được hơn 40.000 ha (100%) diện tích lúa-tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về hữu cơ, ASC,…