Theo trang thống kê worldometers.info, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 491.255.721 ca bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát, bao gồm 9.368.249 ca ghi nhận trong tuần qua, giảm 15% so 1 tuần trước.
Số ca mắc mới và tử vong đều giảm trong tuần qua ở hầu hết các khu vực, ngoại trừ châu Đại Dương. Trong đó, có thêm 25.587 ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu trong tuần, giảm 18%. Hiện tổng số người không qua khỏi trong đại dịch đã vượt mốc 6,17 triệu ca.
Tính riêng trong tuần trước, số ca mắc mới hằng ngày giảm xuống còn 1.089.377 ca vào ngày thứ hai đầu tuần, mức thấp nhất kể từ mốc 1.071.128 ca ghi nhận ngày 23/12 năm ngoái, thời điểm làn sóng Omicron bùng phát mạnh trên toàn cầu. Trung bình trong tuần, thế giới ghi nhận 1.391.477 ca bệnh mới mỗi ngày, là mức thấp nhất kể từ ngày 31/12/2021 với 1.366.641 ca/ngày.
Ngoài ra, 2.812 ca tử vong ghi nhận vào chủ nhật tuần trước cũng là mức thấp nhất kể từ mốc 2.628 ca báo cáo ở thời điểm đầu đại dịch vào ngày 25/3/2020. Trung bình 3.655 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua, và đây cũng là con số thấp nhất kể từ tháng 3 của năm đầu tiên đại dịch bùng phát.
Châu Phi ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh nhất trong tuần qua, với trên 28 nghìn ca, giảm 29%. Tiếp theo là Nam Mỹ với mức giảm 27% (233.462 ca), châu Á giảm 16% với 3.744.645 ca, châu Âu giảm 14% với 4.588.269 ca, Bắc Mỹ giảm 8% với 274.232 ca, và chỉ duy nhất châu Đại Dương ghi nhận mức tăng 16% với thêm 505.029 ca mắc mới Covid-19 trong tuần.
Về số người không qua khỏi, châu Phi cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong tuần qua, với chỉ 211 ca ghi nhận, giảm 50%. Tiếp theo là Bắc Mỹ giảm 24% với 4.451 ca, Nam Mỹ giảm 28% với 2.242 ca, châu Á giảm 23% với 7.548 ca, châu Âu giảm 9% với 10.846 ca, và cũng chỉ duy nhất châu Đại Dương ghi nhận mức tăng 16% với thêm 290 ca tử vong.
Hàn Quốc là quốc gia báo cáo số ca mắc cao nhất thế giới trong tuần qua, với tổng 2.142.204 ca, mặc dù vậy con số này đã giảm 13% so 1 tuần trước. Hiện Hàn Quốc đã vào tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới, với tổng cộng 13.874.216 ca ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát.
Số ca tử vong trong tuần cũng theo chiều hướng giảm, với thêm 2.312 người không qua khỏi, giảm 8%. Kỷ lục số ca tử vong trong ngày cao nhất ở Hàn Quốc được ghi nhận vào ngày 24/3 vừa qua với 429 ca. Trước đó, số ca tử vong luôn dưới ngưỡng 100 ca cho đến cuối tháng 12/2021.
Bất chấp dịch bệnh vẫn diễn tiến phức tạp, Hàn Quốc hiện đã dần nới lỏng các hạn chế phòng dịch, trong đó cho phép hành khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ nước ngoài được nhập cảnh mà không cần cách ly. Bắt đầu từ tuần này, quốc gia Đông Á này cũng sẽ nâng giới hạn số lượng người được phép tập trung trong các cuộc nhóm họp riêng từ 8 lên 10 người, đồng thời cho phép nhà hàng và các không gian trong nhà khác được mở cửa thêm 1 tiếng cho đến nửa đêm.
Sau Hàn Quốc, Đức là quốc gia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai thế giới trong tuần qua với 1.418.484 ca, nhưng cũng giảm 10% so 1 tuần trước. Hiện nước này đứng thứ năm toàn cầu về tổng số ca bệnh, với 21.588.614 ca.
Tiếp theo là 1 nước châu Âu khác là Pháp, với số ca mắc trong tuần cao thứ ba thế giới ở mức 976.187 ca, tăng 13% so 1 tuần trước. Tổng ca mắc ở Pháp gần chạm ngưỡng 26 triệu ca, đứng thứ tư thế giới.
Bốn quốc gia châu Âu khác cũng nằm trong tốp 10 thế giới xét về số ca tử vong, trong đó Nga đứng thứ tư với 389.708 ca, Anh đứng thứ bảy với 165.570 ca, Italia xếp thứ tám với 159.784 ca, và Pháp đứng thứ 10 với 142.475 ca.
Tuy nhiên, ở hầu hết các nước châu Âu, các biện pháp phòng dịch đã gần như được dỡ bỏ hoàn toàn. Tại Pháp và Đức, tất cả hành khách đáp ứng các yêu cầu cần thiết, bao gồm cả việc đã được tiêm phòng Covid-19, tiếp tục được phép nhập cảnh. Công dân Anh chưa được tiêm phòng cũng sẽ có thể vào Pháp nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, bởi nước này nằm trong "danh sách xanh" được phép nhập cảnh của Pháp.
Hầu hết các quốc gia châu Âu đều có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 rất cao, theo báo cáo của Bloomberg. Trung bình trong Liên minh châu Âu, tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ là 75,9% dân số, trong đó đạt tỷ lệ 87,3% ở Tây Ban Nha, 84,1% ở Pháp, 85% ở Italia, 83,1% ở Đan Mạch, 77,3% ở Hà Lan, 76,6% ở Đức và 76,6% ở Áo.
Nước chịu ảnh hưởng nhất thế giới trong đại dịch vẫn là Mỹ, với tổng 1.008.159 ca tử vong và 81.826.371 ca nhiễm. Song dịch bệnh đã giảm mạnh ở nền kinh tế số 1 thế giới sau kỷ lục 900.400 ca mắc trong ngày, ghi nhận vào ngày 7/1 đầu năm nay. Số ca mắc mới tại Mỹ đã giảm 13% trong tuần qua, với thêm 178.169 ca, trong khi số tử vong giảm tới 24% với chỉ 533 người không qua khỏi.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân Mỹ không nên chủ quan, nhất là khi đã phát hiện ra thêm các biến chủng mới có tốc độ lây lan thậm chí còn mạnh hơn Omicron.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ, nói với CBS News, sẽ không hề “dễ thở” ở lúc này, bởi virus SARS-CoV-2 đã biến đổi rất nhiều lần trong vài năm qua.
Ông cho rằng, sẽ sớm chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm do sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây lan hơn Omicron, cùng việc dần dỡ bỏ một số biện pháp phòng dịch, cụ thể là yêu cầu về đeo khẩu trang trong không gian kín ở một số nơi. Do đó, Tiến sĩ Fauci kêu gọi người dân Mỹ cần cẩn trọng và “không thể tuyên bố chiến thắng sớm” trước Covid-19 vào lúc này.
Cũng từng là điểm nóng dịch bệnh, Ấn Độ hiện đang chứng kiến số ca mắc mới và tử vong đang ở gần mức thấp nhất trong đại dịch. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ báo cáo 1.096 ca mắc mới, mức thấp nhất kể từ 957 ca ghi nhận ngày 17/4/2020. Tổng số ca mắc ở nước này là 432.028.131, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ với 81.826.371 ca.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ trong 24 giờ qua là 81 ca. Trước đó, nước này chỉ ghi nhận 27 trường hợp tử vong vào ngày 14/3 vừa qua, mức thấp nhất kể từ 20 ca được báo cáo vào ngày 20/4/2020.
So với con số kỷ lục 6.148 ca tử vong vào tháng 6 năm ngoái trong làn sóng do biến thể Delta gây nên, những thống kê mới nhất cho thấy tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ đã lắng dịu. Hiện tổng ca tử vong vì Covid-19 ở nước này là 521.345 ca, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ với 1.008.159 ca và Brazil 660.192 ca.
Trong bối cảnh nới lỏng các hạn chế phòng dịch, cùng sự xuất hiện của 1 biến thể mới được gọi là XE, có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể phụ BA.2 của Omicron, Viện Di truyền và xã hội Tata (TIGS) Ấn Độ kêu gọi người dân không nên mất bình tĩnh và theo dõi chặt chẽ biến thể này.
Giám đốc TIGS Rakesh Mishra khuyến cáo người dân nên thận trọng trước dịch bệnh, duy trì đeo khẩu trang và tiêm vaccine theo quy định cũng như tiêm liều tăng cường, đồng thời tránh tập trung đông đúc không cần thiết trong không gian kín.
Ngay cả ở châu Phi, mặc dù tình hình dịch bệnh đã ổn định trở lại, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên thận trọng trong giai đoạn hiện nay.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Phi, cho biết, trong hơn 2 năm đại dịch tàn phá, nhu cầu phục hồi nền kinh tế và sinh kế là điều dễ hiểu đối với các quốc gia.
Tuy nhiên, bà Moeti nhấn mạnh đại dịch vẫn chưa kết thúc và các biện pháp phòng ngừa nên được nới lỏng một cách thận trọng, trong đó các cơ quan y tế cần cân nhắc rủi ro so với lợi ích.
Lưu ý rằng gần một nửa các quốc gia châu Phi đã ngừng truy vết lây nhiễm, Tiến sĩ Moeti khẳng định nâng cao các biện pháp y tế công cộng không có nghĩa là “nhấc chân khỏi bàn đạp” cảnh giác trước đại dịch.