Trong bối cảnh EU đang chạy đua với thời gian để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, báo cáo mới đây của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã đưa ra hàng loạt số liệu tích cực, cho thấy những thành tựu lớn của khối trên hành trình chuyển đổi xanh. Lượng khí thải nhà kính năm 2023 của khối này đã giảm tới 8% so với năm trước đó và giảm 37% so với những năm 90 của thế kỷ 20. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ vào việc giảm đáng kể sử dụng than đá và sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Bên cạnh đó, việc người dân và doanh nghiệp châu Âu tiết kiệm năng lượng cũng góp phần không nhỏ vào thành công này.
Thời gian qua, EU chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của năng lượng tái tạo. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong năng lượng tiêu thụ của châu Âu đã tăng từ 10,2% trong năm 2005 lên 24% trong năm 2023. Hiệp hội thúc đẩy sử dụng điện gió ở châu Âu (WindEurope) nhận định, năm 2023 là một năm kỷ lục ở châu Âu về xây dựng các trang trại điện gió mới. Cụ thể, năm 2023, đầu tư vào điện gió ngoài khơi ở châu Âu tăng lên 30 tỷ euro, từ mức 0,4 tỷ euro ít ỏi được đầu tư trong năm 2022. Các nước EU cũng lắp đặt các trang trại điện gió mới với tổng công suất cao kỷ lục 16,2 gigawatt.
Hồi tháng 4/2024, đại diện 23 quốc gia thành viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) và các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu đã ký “Hiến chương điện mặt trời” nhằm bảo vệ và khuyến khích loại hình năng lượng tái tạo này. Bản hiến chương của EU không chỉ là một cam kết về việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, mà còn hướng tới giảm đến mức thấp nhất sự phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia ngoài khối và tăng cường sức cạnh tranh bền vững.
Italia và Đức, hai quốc gia có vị thế và tiếng nói quan trọng tại EU, cũng có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Bộ Môi trường và An ninh năng lượng Italia thông báo, nước này đã giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu nhờ điện tổng hợp từ các nguồn tái tạo tăng lên mức kỷ lục. Năm 2023, quốc gia châu Âu này nhập khẩu 74,6% năng lượng, giảm từ mức 79,2% của năm 2022. Ở Đức, năm 2023, số lượng hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt đạt mức kỷ lục và tăng gấp hai lần so với năm trước đó. Tỷ lệ quang điện trong tổng sản lượng điện là 12%.
Còn tại Bỉ, năm 2023, điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ trọng cao trong tổng công suất nguồn điện của quốc gia này, với tỷ trọng 28,2%, tăng đáng kể so với mức 19,8% của năm trước đó. Sản lượng kết hợp của turbine gió và tấm quang điện tăng 23%. Hiện tại Bỉ đang xây dựng một hòn đảo năng lượng ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Hòn đảo này dự kiến sẽ kết nối các trang trại điện gió ở Biển Bắc với đất liền, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động truyền tải điện.
Trước những kết quả khả quan trong hành trình chuyển đổi xanh và ứng phó biến đổi khí hậu của EU, giới chuyên gia vẫn nhận định, khối này còn chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990. Theo các dự báo hiện tại, EU chỉ có thể giảm được khoảng 43% lượng khí thải nếu chỉ dựa vào các biện pháp đã được thực hiện. Bởi vậy, khối này cần có những biện pháp bổ sung để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm phát khí thải trong những năm tới.
Năng lượng tái tạo dần trở thành xu thế tất yếu khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ra những tác động tiêu cực đến khí hậu. Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng đối mặt nhiều thách thức, mà nổi bật trong đó là chi phí đầu tư cao cho các dự án năng lượng tái tạo. Song những số liệu tích cực trong hành trình chuyển đổi xanh của các nước đã làm dấy lên hy vọng rằng, con đường hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC là khó khăn nhưng vẫn còn cơ hội.