Động lực chuyển đổi xanh của Australia

Nhằm thúc đẩy vị thế “siêu cường về năng lượng tái tạo” của Australia, chính phủ nước này vừa quyết định cấp 840 triệu AUD (550 triệu USD) để xây dựng nhà máy lọc và khai thác đất hiếm kết hợp đầu tiên.
0:00 / 0:00
0:00
Mỏ đất hiếm thuộc sở hữu của Công ty Thăm dò khoáng sản Arafura của Australia, cách thị trấn Alice Springs khoảng 125 km về phía bắc. (Ảnh: ABC News)
Mỏ đất hiếm thuộc sở hữu của Công ty Thăm dò khoáng sản Arafura của Australia, cách thị trấn Alice Springs khoảng 125 km về phía bắc. (Ảnh: ABC News)

Đây là dự án quan trọng thúc đẩy ngành công nghệ mới có mức phát thải thấp, đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Trong lộ trình đưa phát thải ròng về 0, Australia cũng phát triển mạnh năng lượng mặt trời và xây dựng trang trại điện gió quy mô lớn.

Kế hoạch xây dựng nhà máy lọc và khai thác đất hiếm là dự án đầu tiên và là một bước tiến đầy tham vọng đối với ngành khai thác đất hiếm và khoáng sản quan trọng của Australia. Mỏ khai thác và nhà máy lọc đất hiếm nằm cách thị trấn Alice Springs 125 km về phía bắc, do công ty thăm dò khoáng sản Arafura của Australia điều hành. Đất hiếm là thành phần thiết yếu trong công nghệ quốc phòng và năng lượng tái tạo. Khoản đầu tư mang tính đột phá nêu trên được kỳ vọng sẽ đưa Australia trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất đất hiếm một cách bền vững.

Australia xác định các khoáng sản quan trọng là nền tảng cho một tương lai năng lượng sạch và chính phủ trở thành nhà đầu tư, đối tác lớn trong lĩnh vực quan trọng này. Với trữ lượng khoáng sản quan trọng lớn nhất thế giới, thông qua dự án này, Australia khuyến khích nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Hàn Quốc và Đức, tới đầu tư góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell cho biết, chính phủ cam kết “mở khóa” các dự án khoáng sản quan trọng mới để giúp Australia trở thành “siêu cường về năng lượng tái tạo”.

Đất hiếm là thành phần thiết yếu trong công nghệ quốc phòng và năng lượng tái tạo. Khoản đầu tư mang tính đột phá nêu trên được kỳ vọng sẽ đưa Australia trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất đất hiếm một cách bền vững.

Chính phủ Australia do Công đảng lãnh đạo đang tập trung đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và đưa quốc gia châu Đại Dương trở thành một trong những cường quốc năng lượng sạch. Các dự án năng lượng tái tạo trước đây đã chững lại trong nhiều năm do các chính sách về khí hậu trì trệ, giờ đây được chú trọng đầu tư đáng kể. Trong “lộ trình xương sống” để Australia có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Quốc hội Australia đã thông qua luật chính sách khí hậu mới, trong đó áp đặt mức giới hạn phát thải đối với những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất tại Australia.

Luật mới quy định 215 cơ sở công nghiệp lớn (phát thải hơn 100.000 tấn khí thải nhà kính mỗi năm) phải giảm 30% lượng khí thải trong bảy năm. Cũng theo luật mới, các nhà máy luyện nhôm, mỏ than, nhà máy lọc dầu và các cơ sở gây ô nhiễm lớn khác ở Australia sẽ buộc phải cắt giảm 4,9% lượng khí thải mỗi năm. Với việc đưa vào luật nhằm hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Chính phủ Australia dự báo họ có thể cắt giảm 200 triệu tấn carbon phát thải vào khí quyển trong vòng 10 năm tới.

Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và nền kinh tế khử carbon trên toàn cầu là một cơ hội kinh tế lớn đối với Australia. Quốc gia châu Đại Dương quyết tâm nắm bắt cơ hội này và đang đầu tư 500 triệu AUD vào các trung tâm hydro trên khắp Australia. Theo báo cáo “Triển vọng Năng lượng thế giới năm 2022” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Australia được dự báo sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng lớn thứ hai thế giới về hydro phát thải thấp vào năm 2030 và đạt vị trí dẫn đầu vào năm 2050.

Nhằm thực hiện bước đi để thúc đẩy Australia trở thành một cường quốc về năng lượng tái tạo, đầu năm 2024, Chính phủ Australia cho biết có kế hoạch đầu tư lên tới 70 triệu AUD (46,23 triệu USD) để phát triển Trung tâm Hydro vùng Townsville, phía bắc bang Queensland. Dự án có sự hợp tác với chính phủ và các doanh nghiệp Đức, với kế hoạch khởi công xây dựng vào năm 2025, hoàn thiện vào năm 2026 và đưa vào khai thác thương mại ban đầu vào năm 2027.

Trong giai đoạn đầu, trung tâm sẽ sản xuất 800 tấn hydro xanh/năm, đủ để cung cấp nhiên liệu cho hơn 40 phương tiện hạng nặng mỗi năm. Công suất sẽ được nâng lên khoảng 3.000 tấn/năm để cung cấp cho nhu cầu trong nước, cuối cùng là vượt 150.000 tấn/năm để phục vụ xuất khẩu. Trung tâm sẽ do Edify Energy - công ty lưu trữ và phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu của Australia - chủ trì điều hành. Ngoài ra, trung tâm mới sẽ bao gồm một cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo có công suất 17,6 MW với hệ thống lưu trữ pin tích hợp.

Chính phủ Australia cũng đã phê duyệt dự án dự trữ năng lượng tái tạo mới, mang tên Trung tâm Năng lượng tái tạo Melbourne, ở khu vực Plumpton, ngoại ô thành phố Melbourne, bang Victoria. Dự án được kỳ vọng sẽ là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới và là nơi có hệ thống pin lưu trữ lớn nhất khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Theo Bộ Môi trường và Nước Australia, dự án Trung tâm Năng lượng tái tạo Melbourne sẽ là nơi lưu trữ năng lượng điện gió, thủy điện và điện mặt trời từ các khu vực nông thôn và ngoại ô của bang Victoria, đồng thời có thể lưu trữ năng lượng dư thừa sản sinh ra từ các tấm pin năng lượng Mặt trời áp mái tại các hộ gia đình. Với việc trang bị hệ thống pin có công suất 2,4GWh, đây sẽ là nơi cung cấp năng lượng cho hơn 1 triệu hộ gia đình và giúp ổn định nguồn cung năng lượng tái tạo trong khu vực lân cận.

Chính phủ Australia mới đây cũng đã phê duyệt dự án Trang trại điện gió Yanco Delta tại bang New South Wales (NSW) - một trong những dự án năng lượng sạch lớn nhất của quốc gia châu Đại Dương này. Trang trại điện gió Yanco Delta dự kiến sẽ có công suất 1.500 megawatt, đủ để cung cấp điện cho 700.000 ngôi nhà ở bang NSW. Dự án sẽ giúp hạn chế gần 5 triệu tấn khí thải nhà kính mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ 1,5 triệu ô-tô khỏi đường phố. Đây được đánh giá là một bước tiến lớn trong kế hoạch của Chính phủ Australia nhằm đưa quốc gia này trở thành “siêu cường về năng lượng tái tạo”.