Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) vừa công bố báo cáo cho thấy, năm 2023, lượng khí CO2 thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch tại EU đã giảm khoảng 8% so với mức năm 2022. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc ngày càng nhiều nước trong khu vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, thủy điện, điện gió.
EU đã lắp đặt số lượng kỷ lục pin mặt trời và tua bin gió trong năm 2023. Trong khi đó, tổ chức tư vấn năng lượng Agora Energiewende (Đức) cũng cho biết, lượng khí thải CO2 của Đức năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy thập niên qua. Điều này có được là nhờ nền kinh tế đầu tàu EU giảm phụ thuộc vào than đá. Nhà nghiên cứu Sarah Brown thuộc tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember nhận định, những kết quả tích cực nêu trên là minh chứng rõ nét cho thấy, tiến trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo của Liên minh Cờ xanh đang được đẩy nhanh và gặt hái kết quả tích cực.
Năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của năng lượng tái tạo tại EU với nhiều con số kỷ lục. Bồ Đào Nha đạt bước tiến vượt bậc trong hành trình phát triển năng lượng tái tạo, khi nguồn năng lượng sạch đóng góp tới 61% tổng lượng điện tiêu thụ trên cả nước. Điện gió là nguồn cung chính tại quốc gia châu Âu này, đáp ứng 25% nhu cầu điện, tiếp theo là thủy điện, điện mặt trời.
Đáng chú ý nhất là sự bứt phá của thủy điện với sản lượng tăng 70% sau khi giảm mạnh do hạn hán năm 2022. Sản lượng điện mặt trời cũng tăng trưởng 43% nhờ làn sóng lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời lan rộng khắp cả nước. Tại Tây Ban Nha, số liệu của công ty điện lực quốc gia cho thấy, các nguồn năng lượng tái tạo đóng góp hơn 50% tổng sản lượng điện quốc gia trong năm 2023 và là mức cao nhất trong lịch sử. Đây cũng là lần đầu sản lượng điện tái tạo của Tây Ban Nha vượt ngưỡng 50% tổng sản lượng điện của cả nước.
Đức cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực điện mặt trời, khi chứng kiến số lượng kỷ lục hệ thống năng lượng mặt trời và điện gió. Năm 2023, Đức lắp đặt hơn 1 triệu hệ thống pin năng lượng mặt trời mới, tăng 85% so với mức năm 2022. Theo giới chức Đức, năm 2023 đánh dấu lần đầu hơn 50% sản lượng điện của Đức được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong khi sản lượng điện than giảm xuống 26% từ mức 34%.
Tổ chức tư vấn năng lượng Agora Energiewende cho rằng, sản lượng năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục đang giúp Đức tiến gần hơn mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ năng lượng gió và mặt trời vào năm 2030. Trong khi đó tại Bỉ, Cơ quan Quản lý mạng lưới truyền tải cao thế (Elia) cũng cho biết, trong năm 2023, điện gió và điện mặt trời chiếm 28,2% tổng công suất điện của Bỉ, tăng đáng kể so mức 19,8% của năm 2022.
Trong nỗ lực góp phần kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu, EU đã cam kết sẽ cắt giảm 55% lượng khí thải gây ô nhiễm vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Ban cố vấn của EU về biến đổi khí hậu, để hiện thực hóa cam kết nêu trên, 27 quốc gia thành viên cần cắt giảm lượng khí thải nhanh gấp đôi mức họ đã làm trong 17 năm qua.
Giới phân tích cho rằng, đây là một mục tiêu tham vọng song không phải là bất khả thi. Một trong những giải pháp chính là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, đến năm 2028, 61% điện năng tại EU đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, tăng mạnh so mức 41% hiện nay. Đây là nền tảng quan trọng để Liên minh Cờ xanh từng bước hiện thực hóa kế hoạch khí hậu của mình.