Bước chuyển trong công tác chuyển đổi số ở Hậu Giang

Từ năm 2020, tỉnh Hậu Giang bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, công tác chuyển đổi số ở tỉnh đã đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Khai trương ứng dụng Hậu Giang trên nền tảng Zalo.
Khai trương ứng dụng Hậu Giang trên nền tảng Zalo.

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã dành nguồn lực khá lớn để từng bước hoàn thiện về hạ tầng công nghệ. Tỉnh đã dành nguồn kinh phí hơn 300 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành kinh phí cho mỗi huyện, thị, thành phố 1 tỷ đồng, mỗi xã 100 triệu đồng để thực hiện chuyển đổi số, từ đó, đã góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chuyển hoạt động của chính quyền lên môi trường số.

Hiện nay, tỉnh đã có trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP, trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC, hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng SOC.

Các nền tảng số cơ bản đã hoạt động hiệu quả, như: ứng dụng di động Hậu Giang (app Haugiang), cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy… kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành.

100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G, thí điểm triển khai phủ sóng mạng 5G tại thành phố Vị Thanh và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao.

Tỉnh đã thành lập được 600 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 3.700 thành viên tham gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.

Bước chuyển trong công tác chuyển đổi số ở Hậu Giang ảnh 1
Hậu Giang vừa khai trương hệ thống giải quyết thủ tục hành chính.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật 1.851 thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. 100% cơ quan nhà nước tham gia hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 100% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống, 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, bảo đảm chất lượng họp trực tuyến ổn định. Đã có hơn 2.000 sản phẩm đăng ký bán hàng trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, trong đó có 112 sản phẩm OCOP.

Năm 2023, Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang với diện tích 1.523ha được thành lập. Tổng mức đầu tư của dự án là 50 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh cho 9 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 350 nhân viên đang làm việc tại đây. Với những chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp, Hậu Giang hy vọng số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ số của tỉnh sẽ tăng cao hơn trong những năm tới.

Với nhiều nỗ lực, qua đánh giá về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021, 2022 và 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh Hậu Giang vẫn giữ vững thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (tăng 11 bậc so với năm 2020). Hậu Giang còn là tỉnh nằm trong Top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang, cho biết: “Nhận thấy rõ nhất là ý thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng cao. Tỉnh đã ban hành chính sách phụ cấp cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, giảm phí, lệ phí đối với các hồ sơ nộp trực tuyến một số thủ tục hành chính. Với nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, địa phương đã duy trì được thứ hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh DTI”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc chuyển đổi số

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, cho biết: Hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cả 3 trụ cột này đều hướng tới người dân. Trong quá trình triển khai, tỉnh yêu cầu chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm. Do đó, cả hệ thống chính trị và người dân phải vào cuộc. Các ngành, đơn vị, cơ quan cần thực hiện một cách đồng bộ, có sự thống nhất công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu đặt ra là đưa công tác chuyển đổi số phát huy hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tiếp tục khai thác, vận hành tốt Trung tâm dữ liệu của tỉnh, đáp ứng yêu cầu vận hành và lưu trữ đối với một số hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Hoàn thành việc xây dựng mạng diện rộng của tỉnh đáp ứng việc triển khai các ứng dụng dùng chung, các ứng dụng chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu ngành. Triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu về nông nghiệp; giáo dục; tài nguyên và môi trường; dân tộc; lao động-thương binh và xã hội; y tế; du lịch; quản lý đô thị; lưu trữ; thông tin và truyền thông...

Hoàn thành việc triển khai Đề án chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025 và xây dựng Đề án chính quyền số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2026-2030. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu ngành, kết nối cơ sở dữ liệu ngành với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.

Hậu Giang phấn đấu đến hết năm 2025, bảo đảm 100% hệ thống thông tin của tỉnh được xây dựng, phê duyệt hồ sơ cấp độ theo quy định; các đơn vị bảo đảm việc triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ được phê duyệt…

Bước chuyển trong công tác chuyển đổi số ở Hậu Giang ảnh 2
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thăm một số doanh nghiệp trong Khu công nghệ số của tỉnh.

Có thể nói, cán bộ, công chức và người dân Hậu Giang đã có bước thay đổi đáng kể nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số.

Mọi người dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thông qua các hoạt động, như: sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội, mua bán hàng qua mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt… Đây là sự thích ứng phù hợp với xu thế công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.