Bản giao hòa nhịp sống bên dòng Hậu giang

Khi những tia nắng đầu tiên lấp lánh trên mặt sông Hậu, tôi bước chân gần hơn vào không gian đầy sức sống của chợ Long Xuyên (An Giang), một ngôi chợ lớn với hai phần chợ xây - chợ nổi liền kề bên nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Những gian hàng chợ nổi.
Những gian hàng chợ nổi.

Tần ngần như bước xuống đò

Tôi cứ đứng mãi một chỗ, nửa như muốn bước vào, nửa như muốn ngồi lên chiếc đò nho nhỏ kia. Lòng tham của con người bỗng trỗi dậy trong buổi sáng, vì lẽ, bước trên bờ mua sắm ngắm nhìn sẽ an toàn. Nhưng cơ hội “trôi” theo sông, thưởng thức không gian nổi mới đáng kể.

Nếu bạn muốn nhanh chóng mua sắm những mặt hàng cần thiết, phần chợ trên bờ cung cấp đủ loại, từ vải vóc, quần áo đến các loại đồ gia dụng, điện máy. Nhưng chợ nổi lệ thuộc vào người chèo đò. Hàng ở đó là hàng nông thổ sản.

Điều làm tôi ấn tượng ở chợ nổi, nơi hàng chục chiếc ghe, thuyền chất đầy rau quả và các sản vật khác từ khắp các ruộng rẫy, miệt vườn miền Tây đổ về, là trên nhiều con đò nhỏ, phụ nữ sông nước chèo lái một cách khéo léo, mời chào khách. Ngoài kia, nhiều món hàng treo trên cây sào mà dân nơi đây gọi là “bẹo”.

Để lại phía sau những toan tính mua gì, tôi lên đò, thả mình trên dòng sông Hậu, vừa ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, vừa lắng nghe tiếng gọi nhau giữa các ghe hàng. Trên những cây bẹo, người ta treo: mít tố nữ, thơm (dứa), dưa hấu, bầu bí, hay cả dưa cải muối.

Sau một hồi “lượn dọc, bơi ngang”, chị lái đò gởi tôi lên ghe bán dưa hấu, thơm và nhiều loại rau củ. Chị Lê Thị Hạnh, một tiểu thương ở chợ nổi, đón tôi bằng câu nói nhẹ nhàng “ngồi bán hàng cùng nha, cưng”.

Khách tới mua hàng rồi đi, họ mua để bán chứ không mua ăn, nhìn hàng họ lấy thì biết nhiều hơn số lượng tiêu thụ cho một gia đình hoặc một bếp ăn. Mọi chuyện diễn ra lẹ làng như một phân khúc thị trường chuyên nghiệp. Chị Hạnh nhỏ nhẹ, thứ này bữa nay tăng, thứ kia bữa này giảm. Nhìn cử chỉ chị Hạnh không có nhiều nét của người buôn mà giống như một kế toán mẫn cán tính đếm.

Và không cần hô hào, chèo kéo, mỗi khi có khách ghé hàng của chị, chị đều hỏi thăm, giới thiệu từng loại rau, cải từ Cần Giuộc (Long An), khóm từ Tiền Giang… một cách ân cần.

Có một lần, tôi chứng kiến một khách du lịch ghé qua, nhìn ngó kỹ từng món hàng nhưng không mua. Thay vì tỏ ra bực bội, chị Hạnh chỉ cười hiền, chào họ với câu nói thân thương: “Dạ, cô chú đi tham quan thôi cũng vui rồi. Có dịp ghé qua ủng hộ em, nha!”. Giọng nói của chị không có chút áp lực nào cho cả hai phía. Sau đó, khách lại trở lại, lần này là để mua, bởi họ cảm nhận được sự chân thành của chị.

Chị Hạnh luôn nói rõ về nguồn gốc sản phẩm, nếu có rau quả nào không còn tươi như mong đợi, chị cũng thẳng thắn chia sẻ: “Loại này bữa nay ít tươi ngon, vì là rau đưa về từ Đà Lạt”. Có lẽ, chữ “tâm” cũng là điều chị luôn giữ vững khi kinh doanh.

Trên dòng sông Hậu, giữa những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, chị Hoàng Thị Sáu lặng lẽ ngồi trên chiếc thuyền nhỏ của mình. Ngày này qua ngày khác, chị chèo thuyền bán hàng ăn uống. Cuộc sống mưu sinh trên sông không ồn ào, tấp nập như trên bờ, nhưng với chị, nó đầy thử thách và gắn bó.

Mỗi khi thấy những con đò nhỏ chở khách đi ngang, chị Sáu luôn nhìn theo với một sự mong đợi. Không rõ những vị khách ấy chỉ đi dạo ngắm cảnh hay có ý định mua hàng. Thuyền chở hàng không có những biển hiệu, cũng không có cửa hàng bày biện lộng lẫy. Chỉ có mùi thơm bay lên từ nồi nước dùng đang sôi.

Có lúc, chị nghĩ đến chuyện chèo thuyền tiến lại gần hơn để mời gọi, nhưng người bán trên sông như chị Sáu thường không quá vội vàng. Họ để mọi thứ diễn ra tự nhiên, bình thản. Chị hiểu rằng, những người khách trên con đò có thể chỉ đang muốn cảm nhận vẻ đẹp hiền hòa của sông nước, và chị không muốn làm gián đoạn điều đó. Thế nhưng, chị vẫn chuẩn bị sẵn một nụ cười hiền lành, ánh mắt đầy hy vọng.

Đôi khi, sau khi thuyền đò đi ngang, một vài người trên đò bất ngờ ra hiệu quay lại. Chị Sáu mỉm cười, từ từ chèo thuyền tiến tới. Cảm giác chờ đợi không làm chị nản lòng, thất vọng, bởi người bán hàng trên sông hiểu rằng, không phải lúc nào khách cũng mua ngay.

Bản giao hòa nhịp sống bên dòng Hậu giang ảnh 1

Chợ Long Xuyên trên bến dưới thuyền.

Và những điều không thể mất

Chợ Long Xuyên, không chỉ nằm ở sự kết hợp giữa chợ nổi và chợ trên bờ, mà còn là sự đan xen giữa văn hóa buôn bán truyền thống và nét đẹp đời sống dân gian. Những phụ nữ miệt vườn không chỉ bán hàng mà còn trò chuyện, chia sẻ câu chuyện cuộc sống của mình, làm cho không gian chợ trở nên ấm áp, gần gũi.

Nhớ lại lời phàn nàn của chị Hạnh, chợ nổi bây giờ cũng teo tóp vì hàng ế: “Giao thông miền Tây nay đã có nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu. Xe tải, xe máy đưa hàng nhanh lẹ. Bởi vậy, ghe buôn bán trên kênh rạch cũng ngày càng giảm bớt”.

Còn chợ xây trên bờ thì sao? Vừa nghe hỏi, chị Nguyễn Thị Loan Anh lăn lại son môi, chấm phấn cho má hồng, đang tính “lai-chim” (livestream) bán đồ i-nox bỗng dừng lại, phàn nàn: “Mấy bữa nay đọc báo mà oải không hà. Báo đưa tin mấy nền tảng Temu, Taobao, Shein và 1688 bán hàng giá rẻ 19k gì đó, nhanh lẹ, lại còn giao hàng miễn phí”.

“Trước đây, xem mạng, buồn vì thông tin chợ nổi sắp chìm toàn bộ vì không có khách mua. Chợ bê-tông cũng hết hồn mấy năm nay vì thương mại điện tử rần rần. Nay lại thêm những đe dọa vì mấy kênh bán hàng mới ra. Thực tình, đọc rồi thấy nó sao sao? Nó có khả năng dẹp hết các chợ truyền thống này được không? Tui nghĩ là không. Nhưng nó làm cho tiểu thương yếu đi, chợ mất phần nhộn nhịp”, chị Loan Anh giải thích.

Chợ Long Xuyên còn nổi tiếng với các món ăn mang đậm nét địa phương. Bún cá với nước dùng ngọt thanh và cá đồng tươi ngon, thêm chút rau sống từ vùng đất miền Tây, khiến tôi như chạm vào cả hương vị của nơi này. Hay như những chiếc bánh khọt giòn rụm, bánh bảy tầng mềm mại, tất cả đều mang theo nét riêng của vùng đất An Giang.

Cái không khí chậm rãi, nhẹ nhàng của chợ nổi Long Xuyên phản ánh đúng phong cách của những tiểu thương trên sông. Dù chậm hơn một chút so với người bán trên bờ, nhưng họ không vội vàng. Sự thân thiện và chân thành là điều làm cho khách luôn muốn quay lại, để không chỉ mua hàng mà còn để trải nghiệm cái tình của người miền Tây qua những khoảnh khắc dung dị ấy.

Đến chợ Long Xuyên, không chỉ là để mua sắm, mà còn là để trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, một nét đẹp gắn liền với dòng sông Hậu hiền hòa. Buổi sáng nơi đây luôn tấp nập, đông đúc, nhưng khi chiều về, khi những con thuyền lặng lẽ xuôi theo dòng nước, chợ lại trở về với sự yên bình vốn có. Long Xuyên và chợ nổi của nó, như một bức tranh sống động về cuộc sống sông nước, vừa bình dị, vừa như nựng nịu chăm bẵm khách về chơi chợ, mua hàng.

Chị Hạnh là hiện thân của tính cách nhẹ nhàng mà người ta thường nhắc đến khi nói về người miền Tây Nam Bộ. Khách đến, khách đi chị đều niềm nở với nụ cười chân chất.