Đòn bẩy phát triển từ thu hút đầu tư ở Hậu Giang

Từ một tỉnh thuần nông, những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Hậu Giang không ngừng tăng lên. Điều đó cho thấy, việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp gắn với phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đặc biệt là cơ chế chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đã phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Cải thiện môi trường đầu tư

Tuy là tỉnh nông nghiệp, nhưng có tiềm năng phát triển công nghiệp, nhờ vị trí địa lý giáp ranh với thành phố Cần Thơ. Vì thế, trong hơn 20 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang luôn xác định phát triển công nghiệp là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế, gia tăng nguồn thu ngân sách và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Cùng việc sớm quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hậu Giang đã ban hành đồng bộ các chính sách ưu đãi đầu tư trong khu, cụm công nghiệp.

Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà”, các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh cũng được ban hành, áp dụng linh hoạt, giúp doanh nghiệp tìm kiếm, gặt hái thành công và thêm vững tin vào môi trường đầu tư của tỉnh. Từ đó, công tác thu hút đầu tư đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững.

Đến nay, tỉnh Hậu Giang có 2 Khu công nghiệp và 7 Cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp thu hút được 113 dự án với tổng vốn đầu tư trên 37.600 tỷ đồng và 617 triệu USD. Các dự án đầu tư vào địa bàn đã giải quyết việc làm cho trên 33.800 lao động. Tỷ lệ lấp đầy 2 khu công nghiệp đạt khoảng 93%; tỷ lệ lấp đầy 7 cụm công nghiệp khoảng 73%. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 63.876 tỷ đồng, chiếm hơn 84,51% cơ cấu khu vực II và gần 31,53% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ: 3 năm trở lại đây, Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đạt một số kết quả tích cực, thể hiện rõ qua các Chỉ số PCI, SIPAS, PGI đều tăng hạng. Đây là những chỉ số có tác động nhiều đến công tác thu hút đầu tư của Hậu Giang.

Ông Choi Se Min – Tổng Giám đốc thủy sản, Công ty TNHH Sunjin Vina, đánh giá: “Thời gian qua, các ngành chức năng của Hậu Giang đã hỗ trợ công ty chúng tôi rất nhiều. Quy trình hồ sơ thủ tục tại tỉnh được thực hiện rất nhanh. Nếu đánh giá về môi trường đầu tư, tôi xin cho 100 điểm. Tôi sẽ lan tỏa thông điệp này đến nhiều nhà đầu tư Hàn quốc, vì Hậu Giang là một trong những nơi đầu tư tốt nhất”.

Các doanh nghiệp khi đầu tư vào Hậu Giang cũng đều đánh giá cao chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền chuyển mục đích sử dụng đất và cước phí viễn thông của tỉnh Hậu Giang.

Cùng với đó, hệ thống các cấp chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, với phương châm "2 nhanh, 3 tốt" ("Giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh" và "cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt"), tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính.

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là thông qua các buổi đối thoại, cà phê doanh nhân, họp mặt cùng lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức các đoàn đi xúc tiến, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh tỉnh Hậu Giang đến các nhà đầu tư. Thông qua nhiều giải pháp, nhiệm vụ đồng bộ, đã tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh.

Tạo động lực mới trong thu hút đầu tư

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Hậu Giang, Đồng văn Thanh, các khu, cụm công nghiệp hiện nay được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, kết nối trực tiếp với mạng lưới đường quốc lộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của của người dân và nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới cần phải tập trung nỗ lực đầu tư thêm để hoàn thiện hơn. Bởi hiện nay, hai tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (trục dọc) và cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (trục ngang), đoạn đi qua Hậu Giang có chiều dài khoảng 100km đang được triển khai thi công, được xem là cơ hội phát triển cho Hậu Giang nói riêng và các tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Đòn bẩy phát triển từ thu hút đầu tư ở Hậu Giang ảnh 1
Tàu trọng tải 20 nghìn tấn cập Cảng Hậu Giang ở Khu công nghiệp Sông Hậu.

Để khai thác lợi thế của hai tuyến cao tốc này, trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang có sẽ có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích đất công nghiệp là 2.200ha (kể cả 2 khu công nghiệp với diện tích 490ha đã được đầu tư). Trên cơ sở quy hoạch này, Hậu Giang sẽ tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư phát triển, phát huy tối đa hiệu quả vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Bố trí vốn đầu tư công phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo động lực đột phá cho phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ.

Hậu Giang xác định công tác thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt, là đòn bẩy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững của tỉnh. Do đó, Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Đồng thời, tỉnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp.

“Tỉnh sẽ tập trung xây dựng nền tảng bền vững cho tăng trưởng và tạo động lực mới trong thu hút đầu tư. Cụ thể, bố trí vốn đầu tư công phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo động lực đột phá cho phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ.

Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề cao để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp” – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, thông tin.

Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang tập trung phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư các ngành: công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; dược, mỹ phẩm; chế biến nông sản; logistics.​

Hậu Giang phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2050, Hậu Giang trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long.