Hãng S&P Global Market Intelligence mới đây hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 từ mức 2% xuống 1,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,9% trong năm 2021 và 2,8% trong dự báo của S&P về năm 2022. Các điều kiện kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi khi lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường tài chính bị siết chặt. Châu Âu, Mỹ, Canada và một phần khu vực Mỹ Latin nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới. Các nền kinh tế tại châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm hơn 50% GDP toàn cầu, có thể suy thoái vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Lạm phát cao chót vót đang làm giảm sức mua...
Fitch Ratings cũng dự báo, kinh tế Mỹ sẽ chạm mốc suy thoái trong quý II/2023, dù ở mức tương đối nhẹ. Dự báo này cũng tương tự như giai đoạn 1990-1991, tuy nhiên, những rủi ro xuất phát từ tỷ lệ nợ trên GDP trong lĩnh vực phi tài chính hiện nay cao hơn nhiều so với mức vào những năm 1990.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn đóng góp 35% GDP thế giới, được đánh giá sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thực của khu vực này dự báo đạt khoảng 3,5% trong năm 2023. Riêng khu vực Ðông Nam Á và Ấn Ðộ sẽ hưởng lợi từ việc đa dạng hóa hợp tác thương mại.
Tạp chí Eurasia Review mới đây nhận định, trong khi nhiều nơi trên thế giới đứng bên bờ vực suy thoái, ASEAN đã và đang trên đà phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2022.
Thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh được cho là yếu tố bảo vệ ASEAN trước các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bài báo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ tăng hơn 6%, tăng trưởng của Indonesia và Campuchia dự kiến khoảng 5%. Singapore, Thái Lan, Lào và Myanmar đều được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 3%. Phần lớn mức tăng trưởng này là nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, nhu cầu trong nước và đầu tư phục hồi, trong đó ngành du lịch phục hồi nhanh sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh được cho là yếu tố bảo vệ ASEAN trước các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, ASEAN vẫn có "vùng đệm" để đối phó bất kỳ cuộc suy thoái nào sắp tới. Hầu hết các nhà phân tích kinh tế tin rằng, ASEAN vẫn tương đối phát triển trong năm tới.
Dù là điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới, song theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), rủi ro lớn hơn về sự phân mảng về địa kinh tế đang có chiều hướng gia tăng có thể tác động tiêu cực đến triển vọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, ông Krishna Srinivasan, đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại về sự phân mảng, bất ổn tăng đột biến trong chính sách thương mại và các quốc gia áp đặt nhiều hạn chế thương mại hơn. Dấu hiệu phân mảng trong lĩnh vực tài chính ngày càng rõ nét, làm gia tăng lo ngại.
Các chuyên gia IMF cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương đang và sẽ phải đối mặt các "cơn gió ngược" nghiêm trọng, có thể tồn tại dai dẳng. Trong đó, thắt chặt tài chính toàn cầu sẽ tác động đến các điều kiện tài chính của châu Á. Cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá cả hàng hóa tăng vọt. Theo IMF, các nước ASEAN vẫn phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ dịch vụ, tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh trở lại, song các động lực tăng trưởng sẽ giảm trong năm 2023 do nhu cầu bên ngoài yếu hơn, chuỗi cung ứng gián đoạn cũng như các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Ðánh giá tích cực những mảng sáng nổi lên, song các chuyên gia chia sẻ nhận định chung về bức tranh thiếu lạc quan của kinh tế thế giới. Trong trường hợp châu Á-Thái Bình Dương, Trung Ðông và châu Phi duy trì tăng trưởng, kinh tế thế giới có thể tránh được suy thoái, nhưng tăng trưởng sẽ ở mức rất thấp.