Thâm hụt thương mại tại Mỹ tăng mạnh sau 5 tháng liên tiếp giảm

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng từ mức 65,7 tỷ USD hồi tháng 8 năm nay lên 73,3 tỷ USD trong tháng 9.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Millbrae, bang California, Mỹ ngày 10/8/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Millbrae, bang California, Mỹ ngày 10/8/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Thương mại Mỹ ngày 3/11 công bố số liệu cho thấy, sau 5 tháng liên tiếp giảm, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng mạnh trong tháng 9 do hoạt động xuất khẩu lương thực và năng lượng giảm trong khi việc nhập khẩu các chất bán dẫn và hàng tiêu dùng tăng.

Theo số liệu của Bộ trên, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng từ mức 65,7 tỷ USD hồi tháng 8 năm nay lên 73,3 tỷ USD trong tháng 9.

Mức tăng này cao hơn so với dự báo của giới phân tích trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu giảm xuống còn 258 tỷ USD do thu hẹp nguồn cung các mặt hàng công nghiệp như dầu thô và các nhóm hàng thực phẩm như đậu nành.

Trái lại, kim ngạch nhập khẩu tăng lên mức 331,3 tỷ USD, nhờ các lô hàng chất bán dẫn và các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh.

Bất chấp nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ, lạm phát tăng đang làm gia tăng quan ngại về việc người tiêu dùng sẽ "thắt chặt hầu bao" và điều này khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn.

Giới phân tích cũng cảnh báo rằng, nhu cầu nội địa có thể suy yếu trong khi đồng USD mạnh và tăng trưởng toàn cầu chậm lại làm giảm hoạt động xuất khẩu.

Trước đó cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã lần thứ 4 liên tiếp tăng lãi suất 0,75% và cho rằng vẫn cần tiếp tục thực hiện động thái này để kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời cũng để ngỏ khả năng giảm mức tăng lãi suất trong những lần tới.

Lãi suất cao hơn khiến đồng USD mạnh hơn, từ đó khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.