Giữa hàng nghìn cây gai xanh tươi tốt được trang trí trong sân Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), những bộ áo dài đa sắc nổi bật trên mành tre mộc mạc và thân thiện với môi trường. Triển lãm thu hút người xem nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp đa dạng… bởi áo dài từ lâu nay không chỉ là một loại trang phục mà còn là sản phẩm văn hóa hiện diện trong nhiều hoạt động của đời sống.
Trên những tà áo dài, người xem được chiêm ngưỡng nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam thông qua các bộ sưu tập "Cánh buồm Quảng Ninh", "Vịnh Hạ Long", "Phong Nha-Kẻ Bàng", "Rừng trúc Yên Tử", "Nhã nhạc cung đình Huế", "Thổ cẩm dân tộc Tày-Dao"… Bên cạnh đó là các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ những ngành nghề, nhân vật đặc biệt, mang đậm hơi thở đương đại, như hình ảnh các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong bộ sưu tập "Hy vọng", "Bộ đội giúp dân"; hay hình ảnh người thợ mỏ, người lính biển qua các bộ sưu tập "Kim cương đen", "Nụ cười biển", "Hải quân"…
Đó là những hình tượng đã được thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, song qua chất liệu đặc biệt là tà áo dài, vẫn hiện lên độc đáo và đầy tính nhân văn. 200 chiếc áo dài này đến từ 20 nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trong và ngoài nước, như nhà thiết kế Minh Hạnh, Ngọc Hân, Cao Minh Tiến, Trần Thanh Mẫn, Hoài Nguyễn, Giang Đoàn, Phương Thảo, Trần Thiện Khánh, Diego Chula (người Tây Ban Nha)… và đã được trình diễn trong các sự kiện văn hóa như Festival Áo dài Quảng Ninh năm 2020, Festival Huế năm 2019, chương trình nghệ thuật "Những thiên thần áo trắng" năm 2021…
Tham dự triển lãm và phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh khẳng định: "Những bộ áo dài là tác phẩm nghệ thuật chứa đựng niềm đam mê, nhiệt huyết, tình cảm trân trọng và sự sáng tạo tuyệt vời dành cho di sản văn hóa dân tộc. Tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng của đất nước và hình ảnh những con người Việt Nam thuần hậu, giàu chất nhân văn trên các bộ áo dài".
Nếu như áo dài phụ nữ tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, duyên dáng, thanh lịch, thì áo dài nam lại mang nét trang trọng, nghiêm cẩn. Bên cạnh các giá trị truyền thống, cốt lõi, thì trang phục này, đặc biệt là áo dài phụ nữ đã luôn được sáng tạo, không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện, bổ sung những giá trị mới phù hợp với xã hội.
Còn nhà thiết kế, hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân thì chia sẻ niềm vinh dự khi được đóng góp bộ sưu tập áo dài "Các di tích quốc gia đặc biệt", thể hiện trên tà áo không chỉ là cảnh đẹp mà còn là truyền thống lịch sử hào hùng và bản sắc văn hóa để giới thiệu tới khách tham quan trong nước lẫn quốc tế. Ngọc Hân cho biết, sẽ "cố gắng tạo ra thật nhiều bộ sưu tập áo dài đẹp, tiện dụng để mọi người nói chung và các nghệ sĩ nói riêng sẽ sử dụng tà áo dài nhiều hơn nữa trong các sự kiện ngoại giao, nghệ thuật, giải trí… nhằm góp phần tôn vinh di sản áo dài của Việt Nam và hy vọng có thể trở thành di sản của thế giới".
Là một khách mời đặc biệt tại triển lãm, bà Laura Fontan, đồng sáng lập thương hiệu Chula, là vợ của cố nhà thiết kế Diego Chula, mang đến những thiết kế áo dài Việt Nam với phom dáng truyền thống kết hợp hoa văn hiện đại, độc đáo. Áo dài cũng chính là điều gắn kết gia đình nhà thiết kế Tây Ban Nha với Việt Nam suốt 17 năm qua, từ những ấn tượng trong một chuyến du lịch mà họ quyết định ở lại và xây dựng thương hiệu thời trang có tiếng trên thị trường quốc tế, sử dụng hoàn toàn nguyên liệu của Việt Nam như tơ, đũi, thổ cẩm…
Nhà thiết kế Minh Hạnh, một thành viên ban tổ chức cũng chia sẻ về một số sự kiện tôn vinh áo dài và nghề thủ công Việt Nam trong năm 2023 như: trình diễn thời trang và tơ lụa Việt Nam tại thành phố Como (Italia)-địa danh nổi tiếng châu Âu với nghề tơ lụa, trao tặng thêm 1.000 bộ áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Đáng chú ý, tại không gian triển lãm, khách tham quan có dịp tìm hiểu và trải nghiệm chân thực toàn bộ quy trình ươm tơ, rút sợi… do nghệ nhân làng nghề lụa đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) thực hiện tại chỗ. Từng có lúc tưởng như mai một, nghề dệt truyền thống Nam Cao hiện nay đang dần phục hồi, trở thành nguồn nguyên liệu của nhiều hãng thời trang cao cấp.
Nghệ nhân Trần Ngọc Thụ cho biết: "Rút đũi sợi thô được làm thủ công hoàn toàn, mỗi ngày một thợ lành nghề cũng chỉ thu được 1,5-2 lạng sợi, để tạo nên những tấm vải may áo dài có đặc điểm mát mùa hè, ấm mùa đông, thân thiện với sức khỏe người dùng và môi trường. Những năm gần đây, trong xu hướng tôn vinh giá trị xưa và lối sống xanh, các loại vải truyền thống như tơ tằm, đũi… cũng được quan tâm nhiều hơn".
Theo nhiều chuyên gia, áo dài Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, là trang phục truyền thống trong tâm thức của mọi người Việt Nam và được nhận diện bởi đông đảo du khách, bạn bè quốc tế. Chung quanh áo dài là chuỗi hoạt động đa dạng và giàu bản sắc như: trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, thiết kế, may đo… Áo dài cũng góp phần trong rất nhiều thực hành tín ngưỡng hoặc thực hành nghệ thuật.
Nếu như áo dài phụ nữ tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, duyên dáng, thanh lịch, thì áo dài nam lại mang nét trang trọng, nghiêm cẩn. Bên cạnh các giá trị truyền thống, cốt lõi, thì trang phục này, đặc biệt là áo dài phụ nữ đã luôn được sáng tạo, không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện, bổ sung những giá trị mới phù hợp với xã hội.
Thời gian qua, với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị tà áo dài truyền thống, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và các nhà thiết kế áo dài đồng hành tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa như: "Áo dài của chúng ta" (2014); "Xuân Canh Tý: Áo dài và hoa" (2020) … Và triển lãm "Áo dài trên con đường di sản" tiếp tục là một nỗ lực bắc nhịp cầu đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Ngay sau triển lãm, toàn bộ áo dài được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tại đây, những chiếc áo sẽ còn "kể" tiếp nhiều câu chuyện, lan tỏa tình yêu áo dài, văn hóa và con người Việt Nam đến với mọi người.