Phòng trưng bày giới thiệu cho khách tham quan các tư liệu quý, đặc biệt là các mẫu áo dài đa dạng, thể hiện tiến trình hình thành chiếc áo dài Huế qua các thời kỳ.
Trang phục áo dài Huế nằm trong dòng chảy chung của lịch sử phát triển chiếc áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, do những tác động của lịch sử, tự nhiên và giao lưu văn hóa mà chiếc áo dài Huế đã mang một nét đặc trưng, sắc thái rất riêng.
Đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục kín đáo, tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng, làm tôn nên nét duyên dáng và thanh lịch của người con gái Huế. Còn đối với nam, áo dài là trang phục mang nét trang trọng, lịch lãm, đỉnh đạt, góp phần quan trọng tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.
Chúa Nguyễn Phúc Khoác từ năm 1744, sau khi xưng Vương ở Phú Xuân đã ban hành nhiều cải cách, tổ chức bộ máy chính quyền, định chế Y quan và lễ lạc. Và đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Khoác còn định chế cả thường phục cho người dân, người dân Phú Xuân thời kỳ này sử dụng bộ “quần chân áo chít” - tức bộ áo ngũ thân tay chẽn và quần hai ống làm trang phục chung.
Đến thời hoàng đế Minh Mạng, vua đã quyết định chọn áo ngũ thân làm thường phục cho người dân, không phân biệt đẳng cấp hay vùng miền. Từ đó, chiếc áo dài ngũ thân - áo dài Huế được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân, kể cả nam và nữ, được áp dụng rộng rãi trên khắp cả nước.
Chia sẻ tại buổi khai mạc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ông Trần Việt Hùng cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, việc tôn vinh, phát huy các giá trị của áo dài, đưa áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ và đàn ông xứ Huế, nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và sự duyên, lịch lãm của người dân Cố đô là nỗ lực của lãnh đạo chính quyền và nhân dân Huế. Trưng bày chuyên đề “Một số tư liệu áo dài Huế xưa và nay” mong muốn góp thêm tư liệu khẳng định giá trị và tôn vinh vẻ đẹp trang phục áo dài Huế”.
Diễn ra từ ngày 17/6 đến ngày 17/7 tại 23-25 Lê Lợi (TP Huế), du khách tham quan phòng trưng bày có thể chiêm ngưỡng những mẫu áo dài khác nhau qua các thời kỳ. Đặc biệt, hơn 40 bộ áo dài Huế xưa và nay, chủ yếu từ thập niên 50, 60, 70 của bà Trần Thị Diệu Thương và bà Trần Thị Châu đã hiến tặng cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế.
Với mục đích phát huy hơn nữa giá trị thời gian của những chiếc áo dài Huế xưa và nay, không gian trưng bày nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị của áo dài, đưa chiếc áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục nữ và nam, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và sự duyên dáng, lịch lãm của người dân Cố đô.