Tọa đàm nhằm đánh giá việc triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời đánh giá việc thực hiện Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động, môi trường lao động và Công ước 187 về cơ chế tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động quốc tế.
Có thể thấy, sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW, các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy rõ tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong bối cảnh quốc tế rất coi trọng vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và an toàn xã hội, an sinh xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Đồng thời, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia phát triển, đặc biệt là sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế và cam kết thúc đẩy công tác an toàn vệ sinh lao động trong cam kết chung của Cộng đồng ASEAN...
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đã được thể hiện trong các Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp Luật của Nhà nước xuyên suốt trong những năm qua. Đặc biệt là các quy định về công tác quản lý nhà nước về an toàn và vệ sinh lao động; việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các chế độ chính sách, quyền lợi đối với người lao động, người dân.
Các quy định về pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam cũng cơ bản tương thích, phù hợp với nội dung của công ước 155,187 của Tổ chức Lao động quốc tế; Hiệp định Thương mại tự do (12 Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA ) …
Vừa qua, Ban Bí thư đã giao cho Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí Thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và sẽ trình Ban Bí thư cho ý kiến vào tháng 12/2023.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho rằng, để nhìn lại 10 năm phát triển công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Việt Nam; trong khuôn khổ hội nghị, rất cần sự đóng góp, chia sẻ tích cực, sâu sắc từ đại diện cho các Ban, Bộ, ngành trung ương, các tổ chức chính trị-xã hội, đại diện các địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức Quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia... để đưa ra được một bức tranh toàn cảnh về công tác an toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam,
Qua đó, thấy được những mặt đạt được, những tồn tại, những mô hình, cách làm hay về công tác an toàn, vệ sinh lao động để có thể nhân rộng và quan trọng là đưa ra được những bài học kinh nghiệm để từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp triển khai trong thời gian tới để công tác an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam tiếp tục được đổi mới và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc trong thời đại mới.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam cũng ghi nhận những thành tích ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua.
Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động và nhiều luật khác liên quan, đặc biệt Chính phủ đã đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/2/2022 ban hành nghị quyết Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, thực hiện được nhiều chương trình nâng cao nhận thức cho các đối tượng khác nhau và hằng năm tổ chức Tháng hành động quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động...
Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, ở các cấp trung ương và khu vực đã tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho khoảng 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Trong đó, khoảng 10.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản; khoảng 10.000 người sử dụng máy, thiết bị, điện hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn...
Tuy nhiên, bà Ingrid cũng chỉ ra 4 thách thức lớn mà Việt Nam đang gặp phải. Đó là: Việt Nam có lượng người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn; hiện nay, một số lượng lớn người lao động đang chuyển sang hình thức lao động mới như lao động công nghệ, lao động tại nhà, lao động sử dụng trí tuệ nhân tạo... tạo thách thức cho Việt Nam là một mặt bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho những nhóm đối tượng lao động lao động làm theo cách thức mới này, nhưng mặt khác vẫn phải quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động trong các ngành truyền thống như là xây dựng, khai thác hầm mỏ, nông nghiệp, là những nơi có nguy cơ rủi ro về an toàn lao động rất cao.
Đồng thời, dân số Việt Nam có tốc độ già hóa rất nhanh, đặt ra yêu cầu Việt Nam phải bảo đảm được an toàn lao động và sức khỏe cho người lao động cao tuổi, bên cạnh đó cũng phải chú ý đến lực lượng lao động trẻ tuổi chiếm số lượng lớn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó là những vấn đề khó khăn về công tác thanh tra vệ sinh an toàn lao động khi tiếp cận khu vực lao động phi chính thức. Cùng với việc thanh, kiểm tra, họ còn phải có những hành động nhằm phòng, ngừa những vi phạm xảy ra nữa cũng như việc bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và người lao động.
Và thách thức cuối cùng là số liệu về người lao động khu vực chính thức và phi chính thức, cần số liệu chính xác rõ ràng, để thông qua đó đưa ra được giải pháp chính xác các vấn đề đó. Tuy nhiên, theo bà Ingrid khuyến nghị, Việt Nam không nên "chờ đợi" mà cần hành động ngay từ bây giờ, vì chúng ta đã xác định được những nguy cơ ở khu vực chính thức cũng như phi chính thức, hành động ngay dựa trên những gì chúng ta đang có...