Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương (Ban chỉ đạo) đã thống nhất kế hoạch tổ chức lễ phát động sự kiện này và Tháng Công nhân năm 2023.
Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo, việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đã và đang được các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm thực hiện, nhưng cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn để cải thiện các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoàn thiện các chính sách, chế độ về tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Phiên họp Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương ngày 7/4/2023. (Ảnh: Molisa) |
Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 được tổ chức từ ngày 1 đến 31/5/2023 ở tất cả các cấp công đoàn trên toàn quốc.
Đến nay, đã có 12 bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và 60 địa phương đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.
Để chuẩn bị cho lễ phát động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Văn Thanh chủ trì đi thăm và làm việc về công tác tổ chức triển khai Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, công tác an toàn,vệ sinh lao động tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Dương và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Than Mạo Khê.
Đến nay, đã có 12 bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và 60 địa phương đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng chương trình này.
Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động kết hợp phát động Tháng Công nhân năm 2023 sẽ được Ban chỉ đạo phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị (Hà Nội) vào ngày 26/4/2023. Chương trình dự kiến có 500 đại biểu tham dự.
Tại lễ phát động, Ban chỉ đạo sẽ trao 10 suất quà cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, 6 đoàn công tác do lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong thời gian phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành chuỗi các hoạt động thiết thực. Đó là: thanh tra, kiểm tra về an toàn-vệ sinh lao động từ tháng 3 đến tháng 5/2023; tổ chức hoạt động đối thoại, hội nghị, hội thảo, hội thi về an toàn-vệ sinh lao động; hoạt động thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong năm 2022, trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch Covid-19, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2022, số lao động được khám sức khỏe là hơn 2,5 triệu người, tăng khoảng 74% so với năm 2021. Tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV, V) là 6,3%, giảm 7,2 % so với năm 2021.
So với năm 2021, tình hình tai nạn lao động năm 2022 giảm ở chỉ số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Số vụ tai nạn lao động chết người giảm 3,87% (720 vụ, giảm 29 vụ), giảm 4,07% số người chết (754 người chết, giảm 32 người).
Ông Thắng cho biết thêm, năm 2022, điều kiện lao động và tình hình sức khỏe công nhân cũng tiếp tục được cải thiện. Trong tổng số mẫu quan trắc môi trường là 944.127 mẫu (tăng 80% so với năm 2021), có 42.574 mẫu không đạt quy chuẩn vệ sinh lao động, chiếm 4,5%, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021. Số lao động được khám sức khỏe là hơn 2,5 triệu người, tăng khoảng 74% so với năm 2021. Tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV, V) là 6,3%, giảm 7,2 % so với năm 2021.
Năm 2023, Tháng Công nhân có chủ đề “Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức”. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, các cấp công đoàn tập trung triển khai 5 nhóm hoạt động trọng tâm.
Thứ nhất, tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 5”, diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”.
Thứ hai, tổ chức tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.
Thứ ba, tổ chức chương trình “Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”
Thứ tư, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ năm, gắn hoạt động Tháng Công nhân với tổ chức đại hội công đoàn các cấp, tổ chức chiến dịch truyền thông về 137 năm Ngày quốc tế Lao động và các hoạt động trọng tâm của tổ chức công đoàn Việt Nam.
Trước đó, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
Cụ thể, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp; tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc; hai hội nghị tổng kết thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động; đối thoại Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động…
Bộ Y tế tổ chức thi trực tuyến “Nâng cao kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động trong phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc”. Các đơn vị y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 209 nghìn người lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại 1.485 đơn vị; tiến hành đo kiểm môi trường lao động cho 1.362 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Các cấp công đoàn đã thăm hỏi, động viên và tặng quà cho hơn 18.600 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động; Tổ chức phát động các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động với gần 34.000 người tham gia. Qua đó, có gần 16.000 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Chương trình 1 triệu sáng kiến do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Các địa phương trên cả nước cũng đồng loạt hưởng ứng, đổi mới các hoạt động bảo đảm thiết thực, có hiệu quả phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất; đồng thời bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Trong dịp Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động 2022, đã có gần 16.500 cuộc tự kiểm tra, trong đó có hơn 48.000 nguy cơ, rủi ro về an toàn-vệ sinh lao động được phát hiện. Hơn 37.600 nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được các doanh nghiệp xây dựng, ban hành.