Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thành phố, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp của Trung ương và thành phố Đà Nẵng.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thành phố Đà Nẵng, chủ trì hội thảo.
Đại biểu dự hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận của các cơ quan chức năng, trao đổi, phân tích, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp, tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
5 năm qua, các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ ở Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 7.800 tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đã giải quyết gần 7.000 tin. Các cơ quan đã tích cực phối hợp, nâng cao chất lượng điều tra, xác minh. Tất cả đơn thư đều được vào số theo dõi, thống kê, báo cáo đúng quy định. Công tác điều tra, giải quyết thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự tố tụng.
Tuy nhiên, các hành vi như lập “doanh nghiệp ma” để mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế, làm thủ tục nhập khẩu các lô hàng cấm; Hoạt động tội phạm về kinh tế (buôn lậu) ngày càng tinh vi, nhiều phương thức thủ đoạn mới; Một số cơ quan có tình trạng né tránh, “đẩy” trách nhiệm khi gặp khó trong xử lý nguồn tin tố giác tội phạm…
Tình trạng sử dụng hóa đơn khống, mua bán hóa đơn… để hợp thức hóa chứng từ, trốn thuế… gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong công tác xác minh, điều tra. Một số đối tượng thành lập các “công ty ma” hoặc mua lại công ty đã thành lập để làm thủ tục nhập khẩu hàng cấm. Khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn khi xác định chủ doanh nghiệp.
Hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, buôn lậu… ngày càng tinh vi với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Lợi dụng biểu thuế ưu đãi đối với những mặt hàng trong nước chưa sản xuất, một số doanh nghiệp đã khai báo hải quan nhập khẩu, sau đó lợi dụng chính sách thông quan hàng hóa để nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt vào tiêu thụ nội địa nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Công tác giám định, định giá tài sản cũng còn nhiều bất cập, một số vụ việc phải chờ thời gian kết quả giám định, định giá kéo dài, ảnh hưởng thời hạn giải quyết nguồn tin tội phạm.
Tại hội thảo, đại diện các Cơ quan Điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát… kiến nghị cần sửa đổi các quy định liên quan, kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng thành lập “công ty ma” để hoạt động phi pháp.
Hội đồng thẩm định giá tài sản tố tụng hình sự và các cơ quan giám định tư pháp các cấp cần thực hiện nghiêm việc giám định tư pháp, định giá tài sản, hạn chế thuê đơn vị tư vấn thẩm định khi không thực sự cần thiết.
Các cơ quan liên ngành điều tra-viện kiểm sát-tòa án cùng cấp chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thống nhất quan điểm xử lý đối với các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Trong công tác phối hợp, cung cấp thông tin còn hạn chế. Nhiều trường hợp không đồng quan điểm là đẩy trách nhiệm. Cấp dưới không nắm rõ quy định, lúng túng là đùn đẩy lên trên, làm kéo dài thêm thời gian, dẫn đến quá thời hạn, không xử lý được.
Chính vì vậy, những biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không chủ động xử lý trong các trường hợp thuộc thẩm quyền của mình cần được chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, phòng, chống tội phạm, cũng như đối với công tác cải cách tư pháp của thành phố trong thời gian đến.