Một số người có thẩm quyền chưa gương mẫu
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị triển khai công tác sáu tháng cuối năm 2022, sau hai đợt giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án hành chính đã chuyển biến rõ nét.
Giai đoạn trước, trong ba năm (từ ngày 1/10/2014 đến ngày 30/9/2017), chỉ có gần 700 bản án thi hành xong và vẫn còn một số lượng lớn bản án, quyết định nhiều năm chưa được thi hành. Có trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật "tồn đọng" từ năm 2011 đến nay. Một số trường hợp Tòa án đã phải ra quyết định buộc thi hành án, nhưng các cán bộ là đối tượng thi hành án vẫn… làm ngơ, gây bức xúc cho người dân, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp.
Nhờ việc thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế của Chính phủ, bộ, ngành, UBND các cấp, từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/9/2021, công tác thi hành án hành chính ngày càng đi vào nền nếp. Cả nước đã có 1.116 bản án, quyết định được thi hành xong, trong đó có 894 bản án người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành và 222 bản án, quyết định có quyết định buộc thi hành án của Tòa án. Số bản án, quyết định chưa thi hành xong là 489, trong đó có 208 bản án đã có quyết định buộc thi hành án. Kết quả thi hành xong năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2020 thi hành xong 363 bản án, quyết định, tăng 65 bản án, quyết định so năm 2019; năm 2021 thi hành xong 455 bản án, quyết định, tăng 92 bản án, quyết định so năm 2020). Một số địa phương đã thể hiện chuyển biến rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính, trong đó có tỉnh Nghệ An, Đồng Nai.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc thi hành các bản án, quyết định hành chính vẫn còn một số hạn chế. Theo ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự, một số Chủ tịch UBND và UBND chưa quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính (trong đó có trách nhiệm chủ động, tự nguyện thi hành án; trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cấp dưới trong việc thi hành án hành chính). "Thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác thi hành án hành chính là công việc của cơ quan Thi hành án dân sự nên ủy quyền không đúng cho cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ mà lẽ ra UBND phải có trách nhiệm thực hiện. Một số Chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm trong việc chấp hành bản án hành chính, không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết đối với kiến nghị về thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền", lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự thẳng thắn bình luận. Ông lấy thí dụ rất cụ thể: tại Hà Nội, mặc dù Viện Kiểm sát nhân dân đã có bảy kiến nghị đối với Chủ tịch UBND một số quận, huyện đề nghị chỉ đạo các phòng, ban thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng đều không nhận được công văn phúc đáp hoặc văn bản thông báo tình hình, kết quả thực hiện.
Nghiêm minh nhưng phải rõ ràng, khả thi
Trở ngại đầu tiên phải kể đến là để xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành án hành chính, pháp luật quy định phải chứng minh được lỗi "cố ý không chấp hành án". Chính vì thế, mà mặc dù có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm được thi hành, nhưng chưa có trường hợp nào Chủ tịch UBND hoặc/ và UBND bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính. Trong khi đó, Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 8 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 71) đã giao trách nhiệm cho Thủ trưởng cơ quan cấp trên phải xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ thi hành án.
Nhưng có lẽ điều còn quan trọng hơn là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của không ít cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước còn hạn chế. Khi người dân khiếu kiện đến Tòa án, phát sinh thủ tục tố tụng thì không thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa. Khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì lại không chấp hành án. Mặt khác, sau khi ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng, thì lại không kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người được ủy quyền.
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, thiết tưởng cần tiếp tục tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cùng hoạt động giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Bởi vì, dù ở những mức độ khác nhau, không thể phủ nhận sự tồn tại của tâm lý nể nang, ngại va chạm của một số thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên… đối với chính quyền cùng cấp.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, tác động tới nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính của người phải thi hành án (là UBND và Chủ tịch UBND) nhưng cũng cần tạo thuận lợi cho người phải thi hành án.
Chẳng hạn, một mặt cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với UBND các cấp trong công tác thi hành án hành chính, coi kết quả thi hành án hành chính là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ, công chức. Mặt khác, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính bảo đảm phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao.
Một yếu tố hết sức quan trọng khác, có thể coi là gốc rễ của vấn đề, là nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Tòa án với chức năng xét xử của mình cần đưa ra các phán quyết không chỉ đúng quy định của pháp luật, mà còn phải rõ ràng và phù hợp thực tiễn, tránh tình trạng án tuyên chung chung, không khả thi.