Bộ trưởng Giao thông vận tải "mở lòng" khi đối thoại với đoàn viên, thanh niên

NDO - Trong buổi đối thoại với đoàn viên, thanh niên ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thế hệ trẻ cần nỗ lực phấn đấu, trau dồi kinh nghiệm và tích cực hoàn thiện bản thân để đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đối thoại với đoàn viên, thanh niên.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đối thoại với đoàn viên, thanh niên.

Chiều 28/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có buổi đối thoại với đoàn viên, thanh niên ngành giao thông vận tải nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải (28/8/1945-28/8/2023).

Tham gia chương trình có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; cùng hơn 400 đại biểu là cán bộ Đoàn chủ chốt các cơ sở Đoàn và đoàn viên, thanh niên ngành Giao thông vận tải.

Đoàn viên, thanh niên cần tích cực hoàn thiện bản thân

Mở đầu buổi đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, ông sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em. Mặc dù ở Hà Nội nhưng từ nhỏ, ông đã được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt giống như bao trẻ nhỏ khác ở vùng nông thôn, từ việc nhổ mạ, cấy lúa, tát nước, thậm chí, ký ức về việc đi bắt châu chấu trong mùa thu hoạch đến nay vẫn đậm dấu trong tâm trí ông.

Do hoàn cảnh khó khăn, nên trong 8 anh chị em, chỉ duy nhất ông được "tạo điều kiện" bước qua cổng trường đại học. Các anh lớn nhận nhiệm vụ tài trợ tiền ăn cho ông trong suốt quá trình này.

“Tôi vẫn nhớ mãi việc phải tính toán tài chính cho mỗi bữa ăn trong ngày sao cho bữa sáng không được quá 200 đồng và thường tôi chỉ ăn xôi, không có lựa chọn nào khác; bữa trưa và tối thường sẽ ăn cơm canh để vừa đủ 1.700 đồng/bữa”, Bộ trưởng nói và cho biết, ngày ấy, mỗi lần đi qua cửa hàng bánh mỳ chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi là được ăn một chiếc bánh mỳ pate với giá 2.500 đồng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải "mở lòng" khi đối thoại với đoàn viên, thanh niên ảnh 1

Bộ trưởng Giao thông vận tải chia sẻ cởi mở trong buổi giao lưu cùng tuổi trẻ ngành giao thông.

Nhận thức được sự khó khăn ấy, ông đã tự nỗ lực vươn lên, với tinh thần vượt khó, ngay từ khi là sinh viên. Đến cuối năm thứ hai đại học, ông đã có thể tự trang trải sinh hoạt. Thậm chí khi bước vào năm thứ ba, nhờ thu nhập tốt, ông đã có cuộc sống thoải mái về vật chất.

Với 23 năm công tác trong ngành ngân hàng, ông cũng trở thành lãnh đạo từ rất sớm, bắt đầu với chức phó Chánh văn phòng, Giám đốc chi nhánh ngân hàng và trở thành Tổng Giám đốc ngân hàng từ năm 37 tuổi, 3 năm sau thì trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Vietinbank.

Sau thời gian luân chuyển về các địa phương Quảng Ninh (giữ chức Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh), Điện Biên (giữ chức Bí thư Tỉnh ủy), từ tháng 10/2022 đến nay, ông trở thành Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Từ chia sẻ của bản thân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng động viên các thế hệ đoàn viên, thanh niên Bộ Giao thông vận tải đừng vội lo lắng về khó khăn, chỉ cần học tốt, nhận thức tốt, tích cực tích luỹ, trau dồi kinh nghiệm thì có thể làm được mọi thứ, từ đó giúp hoàn thiện bản thân, đóng góp cho cơ quan, đơn vị, cho đất nước và xã hội.

Nhận diện thế mạnh để đột phá trong tương lai

Bước vào phần hỏi đáp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về các vấn đề đoàn viên, thanh niên ngành giao thông vận tải đang quan tâm.

Trước câu hỏi về các giải pháp phát triển, nhất là hạ tầng giao thông nhằm khẳng định vị thế, vai trò "đi trước, mở đường" của ngành giao thông trong thời gian tới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, theo kinh nghiệm thế giới, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển và trở nên hùng cường, không có con đường nào khác là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên 5 lĩnh vực: đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thuỷ. Tại nước ta, vai trò của kết cấu hạ tầng giao thông thể hiện rất rõ, nếu không có hạ tầng giao thông sẽ rất khó khăn.

"Việc đầu tiên là phải nhận diện được tiềm năng thế mạnh trong 5 lĩnh vực là gì, từ đó xây dựng chiến lược phát triển, gắn với quy hoạch phát triển của từng lĩnh vực, chia làm các giai đoạn gắn với nguồn lực của từng thời điểm để triển khai, thực hiện, hiện thực hoá quy hoạch, chiến lược đó", Bộ trưởng Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Cụ thể, vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành 100% năm quy hoạch chiến lược, trong đó lấy quy hoạch cảng biển làm trung tâm. Các quy hoạch còn lại đều hướng đến việc kết nối các cảng biển.

Bộ trưởng Giao thông vận tải "mở lòng" khi đối thoại với đoàn viên, thanh niên ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải đáp các câu hỏi của đoàn viên, thanh niên ngành giao thông.

Đối với đường bộ, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km, thông tuyến cao tốc bắc-nam phía Đông; đến năm 2030 cả nước có tối thiểu 5.000km và đến năm 2050 có tối thiểu 10.000km. Đây là nhiệm vụ rất lớn của đất nước chúng ta, của Chính phủ và đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải.

Nhiệm vụ của ngành giao thông được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó rất nặng nề, nếu không có tư duy mới, cách làm sáng tạo thì khó đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, thời gian tới đây, ngành giao thông cũng cần hiện thực hoá một cách triệt để những thế mạnh trong các lĩnh vực khác, đơn cử như phấn đấu chậm nhất trong năm 2025 trình Quốc hội phê duyệt chủ trương phát triển đường sắt cao tốc và một số tuyến đường sắt quan trọng khác.

Song song với đó, ngành tập trung hiện thực hoá các cảng biển, để trở thành các cảng trung chuyển, kết nối với hệ thống giao thông thuỷ nội địa, phát triển hệ thống tàu ven bờ đi từ bắc-nam.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngành giao thông phải tận dụng tối đa nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời nghiên cứu, đề xuất, triển khai các cơ chế để xã hội hoá thu hút các nguồn vốn xã hội hóa; huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế.

Trả lời câu hỏi về việc tìm các giải pháp để cân bằng và phối kết hợp giữa các hình thức vận tải nhằm hướng tới mục tiêu cùng phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện Bộ đã xây dựng quy hoạch cho từng lĩnh vực; đồng thời lưu ý tới sự gắn kết các quy hoạch với nhau; từ đó đưa ra các kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong việc triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trước câu hỏi liên quan đến quá trình chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng khẳng định: Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu khách quan của thế giới cũng như Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, ngành giao thông cần quan tâm nhiều hơn công tác chuyển đổi số, bởi đây là lĩnh vực sẽ tiếp cận, sử dụng rất nhiều các ứng dụng liên quan đến khoa học kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, Bộ đang triển khai quyết liệt việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, từ đường bộ, hàng không, phấn đấu trong năm nay ứng dụng checkin tự động tại các cửa ngõ sân bay.

Bộ trưởng dẫn chứng: Đơn cử như lĩnh vực đường bộ, hiện nay, xây dựng đường cao tốc phải gắn với hệ thống giao thông thông minh để quản lý, vận hành, xử lý các sự cố phát sinh.

Thông qua các trung tâm điều hành trên những tuyến cao tốc có thể theo dõi toàn tuyến, bất cứ nơi nào ùn tắc, tai nạn hay có sự cố đều có thể dễ dàng phát hiện, từ đó gửi thông báo tới các lực lượng chức năng để tiếp cận xử lý trong thời gian không quá 30 phút.

"Bộ Giao thông vận tải cần chuyển đổi số quyết liệt nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời, đảm bảo nguyên tắc sử dụng kho dữ liệu chung về dân cư. Ngành Giao thông vận tải phải trở thành ngành mà thế giới có những gì về công nghệ thông tin thì ngành phải có thứ đó", Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng Giao thông vận tải "mở lòng" khi đối thoại với đoàn viên, thanh niên ảnh 4

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thăm Phòng Thí nghiệm chuyển đổi số của Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

Để đạt được mục tiêu đó, con người là yếu tố then chốt. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ trẻ với "vai trò, vị trí nòng cốt" trong quá trình chuyển đổi số, từ việc xây dựng, phát triển phần mềm đến việc tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ quá trình triển khai.

"Với chính sách phát triển nguồn nhân lực của bộ, tôi mong muốn đội ngũ cán bộ ngành Giao thông vận tải trong thời gian tới phải được trẻ hoá càng nhiều càng tốt, để thực hiện thành công, thực hiện sớm phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về chiến lược phát triển nguồn nhân lực cao trong ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Ngành giao thông vận tải đang thực hiện khâu đột phát kết cấu hạ tầng đi trước mở đường, dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Khâu đột phá này gắn liền với chiến lược phát triển nguồn nhân lực cao. Bộ trưởng lưu ý các đoàn viên, thanh niên cần đẩy mạnh việc học tập, phấn đấu, vượt qua khó khăn để có những đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước.

Bộ trưởng cho biết, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực để đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

"Nếu như chúng ta biết tích lũy kinh nghiệm, học tập từ các thế hệ đi trước, chắc chắn chúng ta sẽ có được hành trang đầy đủ, cần thiết để cống hiến, đóng góp cho cơ quan đơn vị mình công tác", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kết luận.

Dịp này, Trung ương Đoàn đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ cho Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Bộ Giao thông vận tải cũng trao quỹ khuyến học tặng Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải với trị giá 200 triệu đồng. Các trường đại học, học viện ngành giao thông vận tải đã ký kết về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải.