“Bố Duy” của những mảnh đời lạc hướng

Gần 23 năm qua, cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (trong ảnh) bước vào phòng làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và chỉ trở về nhà khi xong việc và các học viên đã đi ngủ.
0:00 / 0:00
0:00
“Bố Duy” của những mảnh đời lạc hướng

Ở trung tâm này, cả nhân viên lẫn học viên không gọi ông là giám đốc mà trìu mến gọi là “Bố Duy”...

Sau khi dạo một vòng quanh trung tâm nắm tình hình, bác sĩ Khánh Duy quay về phòng trực, mắt dõi theo từng màn hình camera, tay cầm điện thoại nhắc nhở các bộ phận chuẩn bị mọi thứ cho một ngày điều trị, học tập của học viên. Xong phần điều hành đầu ngày, ông dành thời gian thăm nom, quan sát việc điều trị, học tập, rèn luyện của học viên tại từng khu vực.

Vừa thấy ông từ xa, một số học viên chạy ra, gọi lớn “Con chào bố! Bố ơi, bố giải quyết nguyện vọng này cho con với”. Hai từ “nguyện vọng” ấy lâu lâu lại nghe nhưng chưa bao giờ ông thấy chán vì ông biết học viên yêu thương, tin tưởng mới đợi mong như vậy.

Ông lắng nghe câu chuyện của từng học viên, tìm hướng giải quyết các nguyện vọng hợp lý và giải thích thấu đáo với những trường hợp không thể đáp ứng. Từ chối với yêu cầu chưa hợp lý nhưng không làm tổn thương là cách bác sĩ Khánh Duy áp dụng cho học viên nơi đây.

Học viên ở trung tâm đa phần trẻ tuổi, được gia đình gửi vào đây với mong muốn tránh xa ma túy, làm lại cuộc đời. Khi có sự cố giữa các học viên, “bố” Duy luôn yêu cầu các bên ngồi lại trình bày mọi việc rồi công khai cách xử lý thuyết phục nhất. Thay vì phòng cách ly hay kỷ luật nặng, bác sĩ Khánh Duy bố trí một căn phòng nhỏ yên tĩnh có máy lạnh hẳn hoi để học viên mắc lỗi nghiêm trọng vào đó ở một mình vài ngày suy nghĩ về bản thân, làm tự kiểm, chép phạt, khi nhận thức đủ sẽ được ra…

“Tôi có nghiệp với ma túy”, bác sĩ Khánh Duy mở đầu câu chuyện như thế. Tham gia công tác cách mạng trong ngành An ninh Sài Gòn-Gia Định từ lúc còn sinh viên đại học y khoa, bác sĩ Khánh Duy nay đã 76 tuổi. Trong hành trình 50 tuổi nghề, ông có hơn 30 năm lăn lộn với công tác cai nghiện ma túy: 10 năm điều trị cho người nghiện tại trại giam Chí Hòa và hơn 20 năm điều trị cho học viên cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa.

Bác sĩ Khánh Duy cho hay, điều ông an tâm nhất từ ngày thành lập trung tâm đến nay là xác định được chiến lược cai nghiện hiệu quả. Ban đầu, theo những gì học được, ông cứ nghĩ điều trị cai nghiện thì chỉ cần cắt cơn, giải độc là ổn. Sau đó, ông nhận thấy cai nghiện cần thời gian điều dưỡng-phục hồi lâu dài. Ông tập trung nghiên cứu, đọc nhiều sách báo, tham gia các buổi hội họp, tổng kết, kết hợp với tình hình thực tế và tạo ra môi trường tốt nhất để học viên được tham gia điều dưỡng, phục hồi sau cắt cơn với tiện nghi khá đầy đủ của trung tâm.

Thời gian trong ngày, bác sĩ Khánh Duy dành trọn cho các hoạt động điều hành, nghiên cứu nâng cao chất lượng cai nghiện, điều dưỡng, phục hồi cho học viên. Tinh thần làm việc của ông lan tỏa đến từng cán bộ, nhân viên trong trung tâm này. Hiện, trung tâm có hai tiến sĩ, sáu thạc sĩ, 16 cử nhân đại học và nhiều cán bộ, nhân viên đã tham dự các khóa học ngắn ngày.

Tại trung tâm, bác sĩ Khánh Duy dành một căn phòng lớn bày biện đủ loại sách báo, tài liệu về cai nghiện ma túy. Có sách do ông tự viết, có tài liệu ông biên soạn trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, có tài liệu ông xin về. Mọi công việc đều được ông phân chia khoa học cho từng bộ phận và kết nối với nhau thông qua công nghệ. Bác sĩ Khánh Duy cho biết thêm, làm gì thì làm vẫn phải bảo đảm đời sống của nhân viên. Điều ông an tâm là đã tạo được thế hệ kế thừa với nhiều nhân sự trẻ, giỏi, bản lĩnh, yêu nghề...

Giúp nhiều mảnh đời lạc lối quay về lại đúng qũy đạo nhưng điều bác sĩ Khánh Duy luôn mong muốn là các học viên khi trở về đừng bao giờ nhớ đến ông hay trung tâm này. Ông sợ nhất là phản xạ có điều kiện gợi nhớ chuyện cũ, việc cũ khiến học viên tái nghiện, khó bỏ hẳn ma túy, khó làm lại cuộc đời.

“Hy vọng khi bước ra cánh cửa trung tâm, các con sẽ quên đi quá khứ để bắt đầu lại mọi thứ. Ma túy khủng khiếp lắm, thoát được thì đừng quay lại làm gì. Con đường mình đi thì phải đi tới cùng, đừng nản chí. Ai đó hỏi tôi trăn trở điều gì, thật sự tôi chỉ mong người nghiện nào cũng được tạo điều kiện tốt nhất để làm lại từ đầu”, bác sĩ Khánh Duy trải lòng.