Bình Thuận: Nâng cao năng lực dự báo tình hình bệnh để mua sắm thuốc, vật tư y tế kịp thời

NDO - Ngày 9/12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa 11), tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế, gây bức xúc trong nhân dân là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và có nhiều ý kiến chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa 11)
Toàn cảnh kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (khóa 11)

Trả lời các đại biểu và cử tri về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, trong năm 2022, có xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị y tế tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ thiếu một số rất ít, chỉ mang tính cục bộ, trong một khoảng thời gian ngắn, chủ yếu vào cuối quý II, đầu quý III/2022 và được khắc phục sớm từ một đến hai tuần.

Nguyên nhân của tình trạng này là do có thiếu sót trong hoạt động dự báo tình hình bệnh tật, dự trù chưa sát tình hình sử dụng, dẫn đến việc mua sắm, nhập kho không kịp thời so với nhu cầu sử dụng. Mặt khác, do hàng hóa khan hiếm, các doanh nghiệp cung ứng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế ưu tiên bán cho các cơ sở y tế tư nhân, thủ tục mua bán, thanh toán đơn giản, được thanh toán nhanh hơn.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn đấu thầu tạm ngừng hoạt động hoặc từ chối hỗ trợ tư vấn cho các gói thầu mua sắm vật tư y tế, đặc biệt có nhiều gói thầu không tìm được đơn vị thẩm định giá. Các doanh nghiệp cung ứng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế không tham gia dự thầu hoặc thay đổi giá bán, không chấp nhận bán theo giá đã báo giá cho các Bệnh viện, Trung tâm Y tế. Công tác đấu thầu tập trung quốc gia đối với một số loại thuốc chậm có kết quả nên các cơ sở khám, chữa bệnh công lập phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở, không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Cùng với đó, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh công lập gặp khó khăn về tài chính, nợ tiền mua thuốc, vật tư y tế hoặc chậm thanh toán nợ nên nhà thầu chậm cung ứng hàng hóa, cung ứng không đầy đủ và không chấp nhận cung ứng trước.

Ông Việt cũng nêu lên một thực tế, sau khi xảy ra vụ Việt Á phát hiện nhiều sai phạm trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, nhiều cán bộ làm công tác đấu thầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập rất lo lắng e ngại khi thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều cán bộ đã xin thôi hoặc chuyển sang bộ phận khác, không làm công tác đấu thầu nữa. Lãnh đạo ngành y tế cũng như lãnh đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đã phải vận động thuyết phục bằng nhiều cách để những cán bộ này tiếp tục làm nhiệm vụ đấu thầu.

Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thực hiện các giải pháp đồng bộ để luôn bảo đảm có đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất, vật tư y tế phục vụ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế và trang thiết bị y tế đã được phê duyệt chủ trương mua sắm; thực hiện khẩn trương các công việc trong quy trình đấu thầu để các gói thầu mua sắm được phê duyệt kế hoạch đấu thầu kịp thời.

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết; nhất là khẩn trương thanh toán nợ cho các nhà thầu để bảo đảm điều kiện được cung ứng thuốc nhanh, thuận tiện nhất; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế hạch toán tự chủ kinh phí của một số đơn vị y tế công lập trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19, nhất là trong hai năm 2020 và 2021; rà soát, thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế công lập theo quy định; thực hiện bảo đảm các chế độ, chính sách đối với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là chế độ lương; nâng cao năng lực dự báo tình hình bệnh; đẩy nhanh tiến độ công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, nhất là các gói thầu đã được phê duyệt chủ trương mua sắm hoặc kế hoạch đấu thầu; xây dựng Đề án phát triển ngành y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, thời gian ban hành trong 6 tháng đầu năm 2023.