Để bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của hệ thống nhà vườn, nhà rường Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai thực hiện đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ”.
Kiến trúc di sản nhà rường Huế
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọ Tùng, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học (Đại học Huế), Cố đô Huế được biết đến là thành phố vườn bởi sự cấu thành của những thành tố xanh như: Cảnh quan, lăng tẩm, vườn, phủ đệ, nhất là các nhà vườn truyền thống. Nhà vườn truyền thống Huế luôn có sự kết nối hữu cơ giữa ngôi nhà, con người và sân vườn cảnh quan. Đây là thương hiệu đặc trưng của Huế và là những yếu tố tạo nên vẻ đẹp tiềm ẩn và di sản văn hóa của thành phố.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho rằng, hệ thống nhà vườn và nhà rường Huế với lịch sử mấy trăm năm hình thành, phát triển đã chứa đựng và thể hiện rất nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật sâu sắc của con người Huế. Kiến trúc nhà rường trong các cung điện, phủ đệ, chùa chiền, lăng tẩm,... cùng nhà vườn dân gian có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố Huế và vùng phụ cận. Mỗi công trình, dù quy mô lớn hay nhỏ đều vận dụng kiểu thức nhà rường Huế, tạo nên những không gian riêng mềm mại mà cá tính, là điểm nổi bật nhất của phong cách Huế trong cảnh quan kiến trúc truyền thống.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, những ngôi nhà rường với mái ngói đỏ, cột gỗ chắc chắn và không gian bên trong ấm cúng, trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của cố đô Huế. Nhà rường Huế mang trong mình những biểu tượng đặc trưng của văn hóa kiến trúc Việt Nam, với những giá trị lịch sử to lớn và nghệ thuật xây dựng tinh xảo. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tùng nhận định, nhà rường có từ rất sớm, vào khoảng 300 đến hơn 400 năm trước, thậm chí có thể còn sớm hơn nữa.
Nhà rường Huế không chỉ là một ngôi nhà gỗ, mà còn là cả không gian vườn bao quanh nó, với khuôn viên, bức tường thành kiên cố hoặc là hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng cùng những cấu trúc phụ chung quanh ngôi nhà như bình phong, non bộ, hồ nước…
Nhà rường Huế có nhiều loại hình, nhưng phổ biến nhất vẫn là ngôi nhà rường một gian hai chái. Khi dựng nhà rường, các chủ nhân bao giờ cũng tuân thủ những nguyên tắc phong thủy và triết lý phương Đông truyền thống. Nghệ nhân Lê Kim Tân (ở huyện Hương Thủy), người có gần 60 năm kinh nghiệm xây dựng và sửa chữa nhà rường cho biết:
“Những ngôi nhà rường ở Huế thường được xây dựng bằng gỗ quý như lim, mít, gõ, kiền… làm hệ khung mái, với kỹ thuật ghép mộng độc đáo, không sử dụng đinh sắt. Mỗi chi tiết trong kiến trúc nhà rường, từ cột, kèo đến mái ngói, đều thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người thợ xưa. Chính sự bền vững này đã giúp nhà rường Huế tồn tại qua thời gian”.
Kiến trúc di sản nhà vườn, nhà rường Huế với tuổi đời hơn 300 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp mục đích và công năng sử dụng mới. Tại các khu vực có nhiều nhà rường cổ như: Kim Long, Thủy Biều, Phú Dương, Mậu Tài, Thủy Phù, Phước Tích..., mỗi làng có vài chục ngôi nhà rường cổ.
Trong đó, những ngôi nhà còn nguyên vẹn như nhà rường ba gian hai chái của bà Cửu Thể, nhà ông Trần Văn Loan ở Mậu Tài; nhà ông Đoàn Kim Khánh, hay nhà rường An Hiên ở Kim Long… là những ngôi nhà rường cổ được xem là mẫu mực của Huế. Nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch, thu hút đông du khách tìm về để đắm chìm trong không gian cổ kính thơ mộng với hoa thơm trái ngọt, với điệu hò nam ai, mái nhì, ca Huế, bánh đặc sản mời chào.
Hồi sinh các nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ
Theo ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, trải qua biến động của lịch sử và thiên tai, nhiều nhà rường cổ ở làng Phước Tích (xã Phong Hòa) bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó một số nhà có nguy cơ sụp đổ. Làng cổ Phước Tích hiện còn 26 ngôi nhà cổ từ 120-150 năm tuổi.
Trước nguy cơ xóa sổ hệ thống nhà rường độc đáo ở Phước Tích, năm 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế cấp bách thực hiện đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, nhà rường cổ”. Đến nay, làng Phước Tích có 20 trong số 26 nhà rường cổ được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo với kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
“Việc hồi sinh các nhà rường cổ trước nguy cơ xóa sổ đã tác động kịp thời, hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân làng cổ Phước Tích và chính quyền địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo và bảo vệ, phát huy giá trị di sản của làng cổ hơn 500 năm tuổi. Không chỉ có giá trị nghệ thuật, nhà rường còn là biểu tượng cho truyền thống của sự nối tiếp nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ”, ông Đôn cho biết.
Tháng 7/2024, thành phố Huế quyết định chủ trương đầu tư dự án tu bổ, chống xuống cấp nhà vườn bà Nguyễn Thị Ngộ, tại số 3 Phạm Thị Liên (phường Kim Long) thuộc danh mục nhà vườn tham gia Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng. Ngôi nhà xây dựng từ năm 1890, có diện tích 1.970 m2, được phân loại nhà vườn loại 1.
Hơn 130 năm sử dụng và chưa đầu tư sửa chữa cho nên hiện ngôi nhà xuống cấp, cần trùng tu để bảo tồn, bảo vệ di sản gắn với khai thác du lịch. Nhận quyết định hỗ trợ tu sửa nhà vườn của thành phố, gia đình bà Ngộ vui mừng và hứa sẽ cố gắng phát huy giá trị nhà vườn Huế sau khi hoàn thành trùng tu.
Cùng với đề án hỗ trợ trùng tu và phát huy giá trị nhà vườn, thành phố Huế cũng quyết định hỗ trợ 1 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp nhà rường cổ của gia đình bà Phan Thị Diệu Liên, ở 77B Bao Vinh (phường Hương Vinh). Ngôi nhà rường có diện tích 139 m2, được xây dựng năm 1914, với lối kiến trúc nhà hai tầng hai gian thu hồi bít đốc, được xây dựng năm 1914.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, như hệ thống khung gỗ, xương đà, mái ngói bị mối mục, hư hỏng nặng. Đây là nhà rường đầu tiên trong số bảy nhà rường ở phố cổ Bao Vinh thuộc Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế” được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tu bổ, chống xuống cấp giai đoạn 2023-2026.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Trương Đình Hạnh cho biết, đây là hai trong số nhiều nhà vườn, nhà rường trên địa bàn thành phố đã được hỗ trợ kinh phí để tu bổ, chống xuống cấp trong năm nay. Bên cạnh hỗ trợ trùng tu, tại các phường Thủy Biều, Kim Long, Phú Mậu và phố cổ Bao Vinh sẽ hình thành, phát triển điểm du lịch nhà vườn để tổ chức khai thác dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ Bao Vinh theo hướng du lịch xanh, bền vững.
“Việc đầu tư, tu bổ chống xuống cấp nhà rường là việc làm cần thiết nhằm gìn giữ, bảo vệ những giá trị đặc trưng hệ thống nhà vườn Huế; tạo sự đồng thuận, hình thành ý thức tự nguyện của người dân trong việc thực thi chính sách, bảo vệ di sản nhà vườn, nhà rường Huế gắn liền với khai thác hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”, đồng chí Trường Đình Hạnh nói.
Theo Tiến sĩ Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, sự kết hợp có hiệu quả giữa bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế với phát triển du lịch bền vững sẽ là một lợi thế trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường và phát triển du lịch.
Đưa di sản nhà rường vào chiến lược phục vụ du lịch sẽ góp phần quảng bá nét đặc sắc di sản văn hóa Huế, tạo ra nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà rường, khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường được tốt hơn.