Phát biểu khai mạc tại Hội nghị di động Ấn Độ (IMC) năm 2024 ở Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Modi nhấn mạnh những trụ cột tạo nên nền tảng cho chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số, nhằm đưa Ấn Độ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực kỹ thuật số gồm: Giá thiết bị thấp hơn, bảo đảm kết nối số trên toàn quốc, bảo đảm khả năng truy cập dữ liệu cho tất cả mọi người và thiết lập mục tiêu quốc gia “kỹ thuật số là trên hết”. Thủ tướng Modi nhấn mạnh, ở Ấn Độ, viễn thông không chỉ là kết nối mà còn là sự công bằng và cơ hội. Thông qua những trụ cột chiến lược kỹ thuật số, quốc gia Nam Á hướng đến bảo đảm không có khu vực hoặc cộng đồng nào bị bỏ lại phía sau trong thời đại kỹ thuật số.
Năm 2014 Ấn Độ chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất thiết bị di động, thì đến nay đã có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất trong nước, góp phần biến giá các thiết bị ngày càng rẻ và dễ tiếp cận hơn. Cùng với đó, chính sách triển khai hạ tầng nhanh chóng đã phủ sóng mạng 5G tới nhiều địa phương và mức phí dữ liệu di động thấp thu hút ngày càng nhiều người dân Ấn Độ sử dụng. Các thống kê cho thấy, người Ấn Độ sử dụng trung bình 30 GB dữ liệu/tháng.
Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh, loạt sáng kiến thành công trong chiến lược ưu tiên chuyển đổi số, như Chương trình bảo đảm thịnh vượng cho người dân (Jan Dhan), Hệ thống định danh cá nhân bằng sinh trắc học (Aadhaar), Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) hay Mạng mở cho thương mại kỹ thuật số (ONDC)… là nền tảng giúp đất nước tỷ dân hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về phát triển dựa trên lĩnh vực kỹ thuật số.
Trong 10 năm qua, Chính phủ Ấn Độ đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế số, bao gồm Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất với một loạt ưu đãi thuế quan, qua đó giúp các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ. Hiện tại, 14% số lượng iPhone trên thế giới được sản xuất tại Ấn Độ và Tập đoàn Apple (Mỹ) đã có kế hoạch tăng tỷ lệ này lên mức 25% trong khoảng giai đoạn 2027-2028. Google, một tập đoàn công nghệ lớn cũng đang sản xuất điện thoại thông minh Pixel cao cấp tại quốc gia Nam Á.
Sau những thành công ban đầu từ chính sách đẩy mạnh sản xuất thiết bị di động, Ấn Độ hướng tới thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số với tham vọng trở thành cường quốc bán dẫn. Hiện tại, ngành sản xuất chất bán dẫn của Ấn Độ vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Các nhà phân tích nhận định, khi Ấn Độ chưa có đủ năng lực để tự xây dựng các sản phẩm bán dẫn, quốc gia Nam Á có thể hợp tác với các cường quốc công nghệ khác để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Thủ tướng Modi đặt mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn, hướng tới tăng giá trị các sản phẩm kỹ thuật số sản xuất tại Ấn Độ từ 155 tỷ USD hiện nay lên mức 500 tỷ USD vào năm 2030.
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), tại IMC năm 2024, Thủ tướng Modi kêu gọi các nhà lãnh đạo trong ngành, các nhà phát triển công nghệ và các công ty khởi nghiệp cùng hợp tác để thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về đạo đức AI và quyền riêng tư dữ liệu. Thủ tướng Modi hối thúc Hội đồng Tiêu chuẩn Viễn thông thế giới (WTSA) đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu trong bối cảnh các công cụ và ứng dụng kỹ thuật số đều có thể vượt quá giới hạn, vượt ra ngoài biên giới của mọi quốc gia.