Bình Phước vươn lên vị trí số 4 xếp hạng dịch vụ công trực tuyến
Ngày 23/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp Dịch vụ công.
Bình Phước đã xác định rõ quan điểm trong chuyển đổi và nội dung ưu tiên trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của tỉnh là đẩy mạnh triển khai cung cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Trong năm 2024, Bình Phước đã vươn lên top đầu của cả nước về điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng Bộ chỉ số 766 (Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Cụ thể, trong năm 2024, Bình Phước đạt 88,2/100 điểm, xếp hạng 4 cả nước, tăng 42 bậc, 20,29 điểm so với tháng 1/2024
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt 68,14%, tăng 43,7% so với năm 2023, xếp thứ 14 cả nước; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 57,6% tăng 46,25% so với năm 2023.
Tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 76,85% với 1.407 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến (1.072 dịch vụ công toàn trình, 335 dịch vụ công một phần) trên Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 10 cả nước.
Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 77,94 % tăng 65,96%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 75,62% tăng 65,29%; Tỷ lệ khai thác sử dụng lại dữ liệu, thông tin đạt 76,4%, tăng 76,4% và xếp hạng 5 cả nước ở nhóm tỷ lệ này.
Tỷ lệ cấp bản sao chứng thực điện tử từ bản chính đạt 100%: Bình Phước đảm bảo 122/122 đơn vị (đạt tỷ lệ 100%) đã tổ chức triển khai, đã cung cấp được 185.642 hồ sơ hồ sơ chứng thực điện tử.
![]() |
Tỷ lệ hồ sơ được đồng bộ đầy đủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia của Bình Phước dẫn đầu cả nước. |
Tỷ lệ hồ sơ được đồng bộ đầy đủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%, tăng 11,31% xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công tỉnh triển khai duy nhất một hệ thống từ tỉnh tới xã, đã thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức cá nhân trên cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ tái sử dụng kết quả số hóa giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần.
Kết quả đánh giá Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt mức C, xếp thứ 22/63 tỉnh thành. 100% bộ phận một cửa các cấp đáp ứng đủ trang thiết bị, đường truyền triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân. Phủ sóng di động 3G, 4G tới 100% địa bàn có dân cư, mạng cáp quang phủ tới 100% địa bàn thôn, ấp.
Kinh nghiệm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Bình Phước
![]() |
Các chiến sĩ Công an huyện Lộc Ninh, Bình Phước, đến tận nhà hỗ trợ người dân làm căn cước công dân. |
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước cho biết để đạt được thành công trong dịch vụ công trực tuyến, vươn lên top đầu của cả nước, Bình Phước đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp suốt thời gian qua,
Thứ nhất, Bình Phước triển khai các chính sách, chiến dịch hỗ trợ người dân về dịch vụ công trực tuyến (giảm thời gian, giảm lệ phí, thủ tục hành chính không giấy tờ, điểm truy cập Internet, thiết bị thông minh). Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an tinh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo chương trình mục tiêu quốc gia).
Thứ hai, tỉnh đã thực hiện nâng cao nhận thức liên quan đến dịch vụ công trực tuyến qua việc triển khai tập huấn, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân; tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích, sự tiện lợi mà dịch vụ công trực tuyến mang lại.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06, học sinh, sinh viên, giáo viên, người cao tuổi và thanh niên theo hướng “cầm tay chỉ việc” về khai thác, vận hành, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh và quốc gia.
Thứ ba, Bình Phước thực hiện việc nâng cấp, chuẩn hóa lại chức năng của Cổng dịch vụ công. Cụ thể, nâng cấp giao diện trang chủ của Cổng dịch vụ công và giao diện điền thông tin hồ sơ (eForm) của từng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo truy cập thuận tiện, cá nhân hóa người sử dụng.
Thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, lược bỏ các thành phần hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận, sử dụng.
Triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để lưu giữ dữ liệu giải quyết dịch vụ công, phục vụ chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện dịch vụ công.
Thứ tư, Bình Phước đã đầu tư hạ tầng cung ứng dịch vụ công bằng cách phối hợp với các nhà mạng phủ sóng di động xóa vùng “lõm sóng” nơi có người dân đang sinh sống cũng như có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet rà soát, nâng cấp băng thông, đảm bảo việc vận hành.
Rà soát, hoàn thiện các tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đáp ứng các quy định về chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định.
Ngoài ra, thành công của Bình Phước còn nhờ lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên, kịp thời hằng giờ, hằng ngày đối với các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại đơn vị mình.