Theo báo cáo chính thức mới nhất công bố ngày 1/12, thời điểm sớm nhất mà biến thể Omicron được phát hiện là trong mẫu bệnh phẩm được thu thập vào ngày 8/11 tại Gauteng, tỉnh đông dân nhất Nam Phi.
Kể từ đó, biến thể Omicron đã lan ra thêm 4 tỉnh khác trong tổng số 9 tỉnh của nước này, bao gồm Đông Cape, KwaZulu Natal, Mpumalanga và Tây Cape, và rất có khả năng đã có mặt trên khắp đất nước.
NICD cho biết, khoảng 3/4 trong số các bộ gene virus SARS-CoV-2 lấy từ các mẫu bệnh phẩm được giải mã vào tháng trước có sự xuất hiện của biến thể mới.
Tuy nhiên, Nam Phi chỉ tiến hành giải trình tự bộ gene trên một tỷ lệ nhỏ trong tổng số mẫu được thu thập mỗi tuần. NICD cũng không đưa ra con số cụ thể các trường hợp được xác nhận nhiễm biến thể Omicron.
NICD thông tin thêm, dữ liệu dịch tễ học ban đầu cho thấy Omicron có thể “né” được một số cơ chế miễn dịch, nhưng các loại vaccine hiện hành vẫn có tác dụng bảo vệ khỏi tình trạng bệnh nặng và tử vong.
“Kết quả nghiên cứu đột biến và hình ảnh dịch tễ học cho thấy biến thể Omicron có thể “bám” vào một số cơ chế phòng vệ của hệ miễn dịch để gây lây nhiễm, nhưng khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ bệnh nặng và tử vong có được nhờ tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ ít bị ảnh hưởng hơn”, theo báo cáo của NICD.
Thông báo của NICD đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày tại Nam Phi đã tăng gấp đôi lên 8.561 ca trong 24 giờ qua so với 1 ngày trước đó. Dù chưa rõ bao nhiêu người trong số các ca bệnh trên đã nhiễm biến thể Omicron, do không phải tất cả các mẫu xét nghiệm đều phải giải trình tự gene, nhưng không loại trừ khả năng Omicron sẽ nhanh chóng trở thành biến thể “thống trị” như biến thể Delta trước đây.
NICD cũng cho biết thêm, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, tức số ca cho kết quả dương tính trên tổng số các mẫu xét nghiệm đã tăng lên 16,5% trong ngày hôm qua, so với 10,2% ghi nhận 1 ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong và nhập viện không thay đổi nhiều.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu thêm về biến thể mới, vốn đã lây lan sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Sự xuất hiện của Omicron cùng đánh giá ban đầu cho thấy biến thể này dễ lây lan hơn các biến thể trước đó đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu về 1 làn sóng dịch bệnh mới, khiến nhiều nước áp đặt các hạn chế đi lại và siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 28/11, khoảng 56 quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để đề phòng Omicron lây lan. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng, các lệnh cấm đi lại đại trà không có tác dụng ngăn chặn sự lây lan, mà chỉ tạo ra thêm gánh nặng cho đời sống và sinh kế người dân.
WHO cũng khuyến cáo những người sức khỏe không tốt, có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc từ 60 tuổi trở lên và chưa được tiêm ngừa Covid-19 nên hoãn việc đi du lịch.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng vừa lên tiếng chỉ trích các lệnh cấm đi lại đối với các nước miền nam châu Phi mà ông mô tả là 1 sự “phân biệt chủng tộc”.
Phát biểu từ New York sau cuộc họp thường niên giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) hôm thứ tư, ông Guterres cho rằng, các hạn chế đi lại để phòng dịch khiến bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào bị cô lập không chỉ “không công bằng” và mang ý nghĩa của 1 “đòn trừng phạt” mà còn hoàn toàn “không hiệu quả”.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cách duy nhất để giảm nguy cơ lây truyền trong khi vẫn duy trì các hoạt động đi lại và phát triển kinh tế là xét nghiệm thường xuyên các hành khách, cùng với các biện pháp “thích hợp và thực sự hiệu quả khác”.
“Chúng ta có những công cụ để bảo đảm các chuyến đi luôn an toàn. Hãy sử dụng những công cụ đó để tránh áp đặt các hạn chế đi lại như thế này”, ông Guterres nói, đồng thời khẳng định “phân biệt chủng tộc trong đi lại” là điều “không thể chấp nhận được”.
Tại cuộc họp báo chung với ông Guterres, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cũng nhấn mạnh những lệnh cấm đi lại này là không hợp lý.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định ở miền nam châu Phi, và nhiều quốc gia đã công bố các hạn chế đi lại cùng các biện pháp giới hạn khác đối với khu vực này. Hiện châu Phi cũng có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 thấp nhất trên thế giới do không được tiếp cận đầy đủ với các nguồn cung vaccine.
Ông Guterres đã cảnh báo về những nguy cơ của sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine phòng Covid-19 trên thế giới, đồng thời cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp đã tạo điều kiện để sản sinh ra các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.