Biến thể Delta đang tận dụng những yếu tố này để lan rộng trên thế giới. Ngày 1/7, WHO công bố báo cáo cập nhật dịch bệnh hằng tuần, trong đó cho biết biến thể Delta đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước đó.
Theo WHO, biến thể Delta, còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha và sẽ nhanh chóng phổ biến và chiếm phần lớn số ca mắc mới trên toàn cầu.
Quan ngại về biến thể này, nhiều khu vực tại châu Âu đã khôi phục các biện pháp kiểm dịch đối với hoạt động đi lại, một số thành phố tại Australia đang bị phong tỏa do dịch bệnh bùng phát. Ngay cả những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng tương đối thành công cũng không khỏi lo lắng về biến thể Delta.
Thí dụ, biến thể Delta đã khiến Anh, quốc gia có gần 50% dân số được tiêm chủng đầy đủ, phải hoãn kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được mong đợi từ lâu, do số ca mắc mới sau chín ngày lại tăng gấp đôi.
Tại Mỹ, Tiến sĩ Hilary Babcock của Đại học Washington cho biết: “Chúng ta vẫn dễ bị tấn công trước sự bùng phát và quay trở lại của dịch bệnh”. “Các biến thể có thể tìm ra bất cứ lỗ hổng nào trong công tác bảo vệ của chúng ta”, bà cảnh báo.
Tiến sĩ Babcock nói thêm về tình trạng giường bệnh và phòng điều trị tích cực tại các hạt có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thuộc bang Missouri bất ngờ bị hết chỗ.
Tại một cuộc họp báo, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky nhấn mạnh, tỷ lệ mắc mới Covid-19 trung bình theo ngày tại Mỹ hiện là hơn 10%, mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm 95% so với mức đỉnh vào tháng 1 năm nay.
Bà cũng lưu ý, Delta là biến thể phổ biến thứ hai đang lây lan tại Mỹ và có thể trở thành biến thể lây lan mạnh nhất tại nước này "trong vài tuần tới".
Biến thể này đang là mối đe dọa lớn nhất lên các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo WHO, số ca mắc mới tại châu Phi đang tăng nhanh hơn so với trước đây, một phần là do sự lây lan của biến thể Delta.
Ngoài ra, các khu vực tại Bangladesh giáp Ấn Độ cũng đang đối mặt với sự bùng phát do biến thể Delta tác động. Fiji, quốc gia chỉ ghi nhận hai ca tử vong do Covid-19 trong năm đầu ứng phó với đại dịch, đang trải qua một đợt bùng phát mạnh được cho là do biến thể Delta gây ra.
Delta cũng khiến Afghanistan chịu ảnh hưởng lớn, nước này đang phải tìm kiếm nguồn cung oxy y tế để phục vụ người bệnh.
Dễ lây lan hơn là mối đe dọa lớn nhất
Các nhà khoa học cho rằng, Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với các biến thể khác. Các nhà nghiên cứu mới bắt đầu tìm ra nguyên nhân dẫn tới điều này. Hiện chưa rõ khả năng lây nhiễm cao hơn có phải là toàn bộ lý do khiến biến thể này lây lan nhanh hay không.
Tại Anh, số ca bệnh tăng sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng vào tháng 5 vừa qua, nhiều cơ sở kinh doanh được hoạt động trở lại, hàng nghìn người hâm mộ được tham dự các sự kiện thể thao.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa kết luận liệu Delta có làm người bệnh mệt mỏi, đau đớn hơn hay không. Giới chuyên gia Anh cho biết, có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy Delta có thể làm tăng số ca nhập viện, song không có bằng chứng chứng minh biến thể này có thể dễ gây chết người hơn.
Biến thể Delta là một trong những nhân tố gây ra đợt bùng phát kinh hoàng tại Ấn Độ tháng 2 vừa qua. Tiến sĩ Jacob John của Đại học Y khoa Christian tại Ấn Độ lưu ý, “sự bùng nổ” ca bệnh không thật sự đồng nghĩa với việc Delta nguy hiểm hơn các biến thể khác.
Cách bảo vệ tốt nhất là tiêm vaccine đầy đủ
Hiện nay, chỉ có ít thông tin liên quan đến việc biến thể Delta có thể “trốn tránh” các loại vaccine ngừa Covid-19 hay không. Theo các chuyên gia, vaccine ngừa Covid-19 của Moderna có khả năng bảo vệ tương tự vaccine của Pfizer.
Dẫn kết quả xét nghiệm máu của những người đã được tiêm chủng, Johnson & Johnson thông báo vaccine của hãng này có thể bảo vệ cơ thể người trước sự tấn công của Delta.
Ngoài tiêm chủng, WHO còn kêu gọi các chính phủ không nên dỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá nhanh chóng. Ngay cả những người đã được tiêm chủng cũng nên duy trì đeo khẩu trang do biến thể Delta dễ lây lan hơn so với các biến thể khác và không có loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%.