Dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng hơn 1.000 đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã đưa ra các câu hỏi, kiến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: những vướng mắc cần tháo gỡ về liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề xử lý, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân nông thôn; việc kết nối, hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và sức tiêu thụ trên thị trường; vấn đề quản lý, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi các chính sách cần phải hoàn thiện, tháo gỡ nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ngoài ra, hội viên nông dân, lãnh đạo Hội Nông dân các cấp nêu kiến nghị liên quan đến hoạt động của Hội và các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hoạt động của Hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Tuyên Quang đã trả lời, giải đáp các câu hỏi và thắc mắc được nêu tại hội nghị.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 xác định "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới" là 1 trong 3 khâu đột phá.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là hơn 16.541 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Toàn tỉnh hiện có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 51,1 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,5 lần so năm 2015, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn trong tỉnh đang dần được rút ngắn.
Đại diện hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa ra câu hỏi, kiến nghị. |
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp còn thấp; năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản đạt thấp.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn hạn chế; mẫu mã, chất lượng sản phẩm OCOP chưa đa dạng, đặc sắc, giá trị chưa cao.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện, trong đó, xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hơn 3,5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân hơn 5,5%/năm; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng hơn 2,5 lần so với năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 35,5%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung đạt 96% trở lên…
Phấn đấu đến năm 2025, có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang trao Bằng khen cho các cá nhân. |
Để thực hiện mục tiêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của hội viên, nông dân về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất viên nén năng lượng, điện sinh khối.
Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao; tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tham gia xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, nhất là lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp. Đẩy mạnh hướng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Vận động, khuyến khích nông dân liên kết hoặc cho thuê lại quyền sử dụng đất, tích tụ ruộng đất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội nông dân các cấp; chú trọng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, giúp nông dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc.
Nhân dịp này, tỉnh Tuyên Quang đã trao 3 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ nông dân; 10 cá nhân được tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.