Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh Tuyên Quang duy trì ổn định và phát triển, đạt được tốc độ tăng trưởng khá, đứng thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 1/11 tỉnh miền núi phía bắc và đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,55% so cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,6 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, đạt 47,7% kế hoạch tăng 14,8% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 71 triệu USD, đạt 47,3% kế hoạch. Thu hút trên 1,8 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 2 nghìn tỷ đồng…
Các công trình, dự án quan trọng của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ đầu tư; cải cách hành chính được triển khai thực hiện quyết liệt; các hoạt động về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghiệp được quan tâm và thúc đẩy. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm chỉ đạo, chăm lo phát triển toàn diện. Tỉnh đã triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; người có công với cách mạng. Qua đó, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại kỳ họp. |
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang ghi nhận những nỗ lực cố gắng, đóng góp quan trọng của Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp, của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào những kết quả đã đạt được của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đồng chí, đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận, giải trình, làm rõ những nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại. Từ đó đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, có giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực hạn chế, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, trong thực thi công vụ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, về vốn tín dụng;
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số... đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự toán thu, chi ngân sách, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2023 đã đề ra.
Chủ tọa kỳ họp. |
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương; kinh phí Trung ương ủy quyền; kinh phí viện trợ và tình hình sử dụng các quỹ do tỉnh quản lý trong 6 tháng đầu năm 2023.
Thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành ngân sách địa phương. Thông qua 21 nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế-xã hội và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, các giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2023 đã được tỉnh xác định như: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng;
Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xây dựng, bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình dự án, tích cực rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại kỳ họp. |
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhất trí thông qua 21 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao.
Kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển. Một số hạn chế cần khắc phục đã được các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu làm rõ và đề xuất giải pháp khắc phục trong thảo luận. Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến tại kỳ họp. |
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết. |
Trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và nguyện vọng của cử tri; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của tỉnh; tăng cường hoạt động giám sát theo hướng toàn diện, sâu sát, quyết liệt và có hiệu quả, qua giám sát kịp thời phát hiện và kiến nghị cụ thể các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn trong lĩnh vực được giám sát.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề bức xúc ở địa phương, từ đó thu hút được nhiều ý kiến đóng góp thực chất, sát với đời sống cơ sở, đáp ứng được sự quan tâm, kỳ vọng của người dân.
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng trên 4,6% so với năm 2022; sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 29 nghìn tỷ đồng; thu hút trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.