Thúc đẩy bình đẳng giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội

NDO -

Hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tăng cường tính đáp ứng giới để giảm thiểu những bất bình đẳng giới với phụ nữ trong cuộc sống, cả ở nơi làm việc và gia đình.

Ảnh minh họa: Duy Linh.
Ảnh minh họa: Duy Linh.

Đây là thông điệp chính tại hội thảo “Nhận diện vấn đề giới trong một số chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức ngày 16/7, tại Hà Nội, nhằm thảo luận vấn đề bình đẳng giới trong bảo hiểm xã hội và bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận và đánh giá về vấn đề giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay và đưa ra các khuyến nghị về cách thúc đẩy bình đẳng giới trong khuôn khổ việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho rằng, phát triển bảo hiểm xã hội sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ILO cũng nhấn mạnh việc áp dụng phúc lợi nhiều tầng cho trẻ em là một trong những biện pháp chính sách có tiềm năng tác động lớn hơn. Quyền lợi này bao gồm hai tầng. Tầng thứ nhất sẽ cung cấp chế độ cho con cái của các bậc cha mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam và sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Trong khi đó, tầng thứ hai sẽ hướng đến các trẻ em có cha mẹ tham gia bảo hiểm xã hội, với chế độ hưởng cao hơn và chi trả thông qua sự đóng góp của cả người lao động và người sử dụng lao động, như tất cả các quyền lợi bảo hiểm xã hội khác.

“Chính sách như vậy có thể được thực hiện với chi phí tương đối hợp lý, đồng thời giúp hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu chính sách,” - ông André Gama, quản lý chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam khẳng định. “Cụ thể là, chế độ trẻ em đa tầng có thể vừa giúp mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ tài chính cho mọi trẻ em trên cả nước. Chế độ này cũng có thể có tác động tái phân phối mạnh mẽ, hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp hơn và có khả năng giúp xử lý được vấn để rút bảo hiểm xã hội một lần.”

Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, các ý kiến tại hội thảo sẽ là những thông tin hữu ích, có tính chất gợi mở để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án; góp ý và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, luật pháp về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Quá trình này nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước và tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”.