Diện bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững

Thời gian qua, diện bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững. Đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khám và điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi trung ương. (Ảnh: nhandan.vn)
Khám và điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi trung ương. (Ảnh: nhandan.vn)

Bình quân hơn 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm

Ngày16/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt Chỉ thị số 38).

Ngày 7/9/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, ngày 7/9/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38 về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới. Sau 15 năm triển khai, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các nội dung của Chỉ thị số 38 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế từ Trung ương đến địa phương.

Với tinh thần thực hiện nghiêm túc, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai Chỉ thị số 38 đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; phổ biến quán triệt nội dung của Chỉ thị tới từng đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Theo đó, toàn ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ được Ban Bí thư giao. Cụ thể là: Quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh và người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm y tế; tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về bảo hiểm y tế; đổi mới công tác thông tin truyền thông và tuyên truyền về bảo hiểm y tế…

Diện bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững ảnh 1

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TÂM TRUNG)

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như sau:

Trước hết, trong công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật nhằm pháp quy hóa Chỉ thị, trên cơ sở nắm bắt rõ những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên chủ động đánh giá tình hình thực hiện chính sách; đánh giá tác động của các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi để kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế phù hợp.

Cùng với đó, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ các ban của Đảng (đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương); các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương… để tuyên truyền phổ biến Chỉ thị số 38 và chính sách bảo hiểm y tế tạo sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách.

Thời gian qua đã cho thấy, diện bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững. Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38, năm 2008, toàn quốc chỉ có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 46,1% dân số. Đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Về công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hằng năm, bình quân có hơn 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Công tác giám định, công tác thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp sở, ban, ngành tại địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế và bảo đảm tốt quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Qua đó, đã phát hiện nhanh chóng, kịp thời các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng hoặc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế không hợp lý, góp phần giảm chi Quỹ Bảo hiểm y tế hàng nghìn tỷ đồng.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số cũng ghi nhận dấu ấn khả quan. Hiện nay, người dân có thể sử dụng đa nền tảng khi đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân) ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số, ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Diện bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững. Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38, năm 2008, toàn quốc chỉ có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 46,1% dân số. Đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: “Những kết quả nêu trên về công tác bảo hiểm y tế không phải của riêng ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam mà là kết quả của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của cả cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế phù hợp

Nhằm tiếp tục thực hiện toàn diện, thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 38 đề ra, tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét tiếp tục ban hành văn bản mới về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế để phù hợp trong tình hình mới.

Quốc hội tăng cường hơn nữa việc giám sát quá trình thực thi pháp luật về bảo hiểm y tế tại các địa phương, doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật về bảo hiểm y tế, đặc biệt là sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 38 và các Nghị quyết của Trung ương, bảo đảm nguyên tắc cộng đồng, chia sẻ và công bằng trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đối với Chính phủ, tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và dự toán chi khám, chữa bệnh hằng năm, là một trong các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của địa phương; Ban hành chế tài xử lý đối với các trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã được Bộ Y tế xây dựng và lấy ý kiến nhân dân.

Mục tiêu tổng quát là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, bảo đảm thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Dự thảo Luật đề xuất tới bốn mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, sự phát triển của xã hội, khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.

Thứ ba, tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý toàn diện sức khỏe người dân.

Thứ tư, kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong 1 kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Dự án Luật dự kiến có 5 nhóm chính sách bao gồm: (1) Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; (2) Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; (3) Điều chỉnh các quy định bảo hiểm tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (4) Nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (5) Phân bổ sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả.