Bến xe, cửa ngõ thành phố lớn đông nghẹt hành khách

Chiều 30/8, ngày làm việc cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, hành khách ùn ùn đổ về các bến xe Hà Nội tìm phương tiện về quê thăm thân hoặc đi du lịch. Một số tuyến đường chung quanh bến xe và các cửa ngõ bị ùn tắc cục bộ.
Chiều 30/8, các tuyến đường ra cửa ngõ phía nam Hà Nội ken cứng phương tiện.
Chiều 30/8, các tuyến đường ra cửa ngõ phía nam Hà Nội ken cứng phương tiện.

Dự kiến trong dịp nghỉ lễ này, nhiều gia đình đưa cả con nhỏ về quê nghỉ ngơi, đi chơi trong kỳ nghỉ dài ngày, vì vậy nhu cầu đi lại tăng cao. "Đón đầu" nhu cầu của người dân, các bến xe của Hà Nội đã lên kế hoạch và sẵn sàng kịch bản phục vụ hành khách đi lại nhanh chóng và an toàn.

Giá vé ô-tô không tăng

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết: Ngày 30/8 được chúng tôi dự tính là ngày cao điểm hành khách đi lại dịp nghỉ lễ. Ban sáng, trời mưa kéo dài tới trưa cho nên lượng khách đến bến khá vắng. Tuy nhiên, từ sau giờ trưa đến 16 giờ, lượng khách về bến dồn dập. Theo tính toán, lượng hành khách ra bến xe còn đông đến 22-23 giờ và kéo dài sang tới sáng 31/8. Tuy vậy, kể từ sau đại dịch Covid-19, lượng khách qua bến đến nay cũng mới chỉ đạt khoảng 70% so với trước năm 2019. Người dân đã có nhiều sự lựa chọn di chuyển về quê, du lịch như đi xe cá nhân, xe ghép,...

Lúc 18 giờ, tại Bến xe Giáp Bát, xe khách vẫn liên tục nối đuôi nhau rời bến với lượng hành khách ngồi kín ghế, đông nhất là các xe khách về tuyến huyện các tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thái Bình.

Được nghỉ sớm sau buổi chiều, em Trần Nam Khánh (Trực Ninh, Nam Định), sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải vội vã bắt xe buýt đến Bến xe Giáp Bát để về quê. Mặc dù đã đặt chỗ trước nhưng khi bước chân lên xe, Khánh vẫn bị phụ xe đẩy xuống ngồi hàng gần cuối do phía trước đã kín khách.

"Giá vé em mua 100.000 đồng, không tăng giá so với ngày thường bởi nhà xe chạy chuyên tuyến này, chỉ có điều, khách dồn về cùng thời điểm quá đông cho nên hơi chật chội so với ngày thường", Khánh cho biết.

Tại Bến xe Nước Ngầm, hành khách đến bến cũng rất đông, ngồi chờ chen chúc tại các ghế ở sảnh chính. Phía trong bến, nhiều khách đợi sẵn để chờ xe di chuyển, hầu hết là sinh viên, học sinh và người lao động tự do.

Tại Bến xe Mỹ Đình, ông Trần Ngọc Hòa, Giám đốc Bến xe cho biết, đơn vị đã chuẩn bị tăng cường hơn 400 xe ô-tô chở khách nhằm phục vụ đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bến xe đã sẵn sàng đón tiếp 22.000 lượt khách mỗi ngày, lượng hành khách tăng cao gấp 3,5 lần so với ngày thường.

Đối với các kỳ nghỉ lễ Quốc khánh hằng năm, thời gian cao điểm thường có sự tăng đột biến cả về lượng khách và lượng xe. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã chuẩn bị tăng cường 700 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát 220 xe, Gia Lâm 80 xe và Mỹ Đình 400 xe. Số lượng xe tăng cường được phân bổ theo ngày, theo tuyến tùy thuộc vào sự gia tăng của lượng hành khách.

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, công ty phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương trong việc thực hiện các quy định, thể lệ vận tải và bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách của các đơn vị vận tải.

"Các bến xe kiên quyết không cho xuất bến với các xe khách không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, chở quá tải, hàng hóa lẫn với hành khách; không để hiện tượng lái phụ xe tranh giành khách, lấy tiền cao hơn giá vé quy định; kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp phương tiện, người lái vi phạm; nghiêm cấm hiện tượng vòi vĩnh, hạch sách, cản trở làm ảnh hưởng tiến độ xe xuất bến", lãnh đạo công ty nhấn mạnh.

Ùn tắc cục bộ

Theo ghi nhận, tại khu vực cửa ngõ phía nam Hà Nội, tình trạng ùn tắc kéo dài trên đường vành đai 3 trên cao xảy ra ở chiều hướng ra khỏi nội đô. Ngay cả đường vành đai phía dưới cũng đông nghẹt xe cộ. Các tuyến đường Giải Phóng đến cửa ngõ Pháp Vân, đường Phạm Hùng, cầu Thanh Trì lượng phương tiện cũng ken chặt.

Các tuyến đường chính của Thủ đô hướng ra cửa ngõ phía nam như Đại La, Giải Phóng, lượng phương tiện tăng cao đáng kể. Giao thông tại các khu vực này rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ, nhất là tại ngã tư Vọng, ô-tô xếp hàng dài để đi từ đường vành đai 2 xuống.

Theo một chiến sĩ (thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), lượng phương tiện đã gia tăng đáng kể so với ngày thường, càng về chiều, phương tiện qua nút giao Đại La-Trường Chinh càng tăng. Để đối phó với tình trạng này, các cán bộ, chiến sĩ đã phải cắm chốt từ trưa, bảo đảm phân luồng giao thông từ xa, nhất là tại các nút giao trọng điểm. Trên đường Giải Phóng, đoạn qua cầu vượt ngã tư Vọng, tình trạng ùn tắc kéo dài khi ô-tô và xe máy di chuyển chậm theo hướng từ trung tâm thành phố ra các cửa ngõ phía nam.

Tại các cửa ngõ và bến xe, nhà ga Thành phố Hồ Chí Minh trong chiều 30/8, lượng phương tiện gia tăng đáng kể khi người dân bắt đầu rời thành phố để về quê hoặc đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ.

Theo ghi nhận, các tuyến đường chung quanh Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh,... xe cộ chen chúc, nối đuôi nhau nhích từng chút. Trong số này có khá nhiều người di chuyển ra bến xe để về quê hoặc đi du lịch.

Phía bên trong Bến xe Miền Đông cũ, dù nhiều tuyến xe đã chuyển về Bến xe Miền Đông mới, tuy nhiên, lượng khách đến bến vẫn khá đông, không khí hối hả vẫn bao trùm.

Tại Bến xe Miền Tây, càng về tối càng đông đúc người dân di chuyển đến bến. Rất đông người dân đến các quầy bán vé để mua vé về quê. Bến xe Miền Tây đã bố trí cán bộ, bảo vệ phân luồng, hướng dẫn người dân và phương tiện trước cổng để tránh ùn ứ. Đồng thời, hướng dẫn các quầy vé để người dân nhanh chóng di chuyển.

Một nhân viên bán vé chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Kiên Giang tại Bến xe Miền Tây cho biết, lượng khách đến đặt vé tăng lên khá nhanh trong buổi chiều. Đến 16 giờ, nhà xe đã bán khoảng 90% số vé, khả năng đến tối sẽ hết vé. Trên Quốc lộ 1, dòng xe cộ bắt đầu nối dài. Trong số này có nhiều người dân ở các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre,... di chuyển về quê bằng xe máy.

Trong ga Sài Gòn, người dân cũng đã đổ về khá đông trong chiều 30/8. Rất nhiều người có tâm lý đi sớm để tránh kẹt xe cho nên phải ngồi chờ khá lâu mới đến giờ lên tàu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, khi mua vé khứ hồi hành khách sẽ được giảm 5% giá vé lượt về cho cá nhân và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên.

Tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đến gần 18 giờ, lượng khách mới bắt đầu đổ về đông đúc. Trong dịp nghỉ lễ, người dân chủ yếu lựa chọn về quê thăm gia đình, số khác đi du lịch tới các điểm như Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc...

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, sản lượng hành khách đi và đến trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 dự kiến khoảng 120.000 hành khách/ngày, tăng khoảng 8% so với lượng khách ngày thường.

Theo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, ngày 30/8, cảng có 567 chuyến bay với sản lượng 87.603 hành khách (299 chuyến nội địa với 56.103 hành khách; 268 chuyến bay quốc tế với 31.500 khách.

"Sân bay đã chuẩn bị các kịch bản, phương án bố trí cán bộ, nhân viên phân luồng, phục vụ lượng hành khách đi lại tăng cao trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 an toàn, dịch vụ tốt nhất", lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài nhấn mạnh.