Với chủ đề “Võ cổ truyền Việt Nam-Khát vọng vươn xa”, liên hoan lần này có sự tham gia biểu diễn của khoảng 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, võ sư, võ sinh của tỉnh Bình Định, cùng 78 đoàn (trong đó có 16 đoàn nước ngoài) với tổng cộng khoảng 1.300 võ sư, võ sinh đăng ký tham gia, tạo nên ngày hội võ thuật đặc sắc, đa dạng trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 8 đã diễn ra các chương trình giao lưu võ thuật kết hợp tham quan giữa các đoàn võ thuật trong, ngoài nước và đại diện các lò võ tiêu biểu của tỉnh Bình Định tại huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát và thị xã An Nhơn.
Cùng với đó là các chương trình giao lưu giữa các đoàn võ thuật trong, ngoài nước tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn và Hội thảo bàn về “Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030”.
Tìm hướng phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Các hoạt động trên đã thu hút đông đảo người xem, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân đất võ và du khách gần xa. Đặc biệt, liên hoan được tổ chức trang trọng, chan hòa tình hữu nghị, đoàn kết, tập trung ca ngợi truyền thống thượng võ của dân tộc Việt Nam, những tinh hoa của miền đất võ Bình Định - quê hương Anh hùng dân tộc, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ…
Cùng những tiềm năng trong sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng, đây được coi là cơ hội để các dòng phái võ thuật cổ truyền trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau nhằm bảo tồn và phát triển bộ môn võ cổ truyền Việt Nam... Qua đó, tiến đến xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.