Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, võ sư, trưởng đoàn, huấn luyện viên... cùng các vị đại biểu, các vị khách quý đến từ nhiều nơi cả trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn và phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Hiện nay, có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ những tinh hoa võ thuật của dân tộc, có hàng chục nghìn người trong cả nước và trên khắp thế giới đã học võ cổ truyền Việt Nam và tìm thấy ở đó nhiều triết lý sống, các giá trị võ học, văn hóa vô cùng độc đáo.
Song song với công tác bảo tồn, công tác quảng bá Võ cổ truyền Việt Nam cũng từng bước được đẩy mạnh. Bình Định là địa phương tiên phong tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam từ năm 2006, với định kỳ 3 năm/lần để các võ sư, võ sĩ, võ sinh và những người đam mê, yêu võ thuật hội tụ về miền đất võ để học hỏi, giao lưu, góp phần cùng cả nước phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam lên một tầm cao mới.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Nơi đây, từng là cố đô của vương quốc Chăm-pa, là thủ phủ của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ. Hiện toàn tỉnh Bình Định có 185 võ đường, câu lạc bộ võ thuật với trên 12.000 võ sinh tham gia luyện tập thường xuyên. Vận động viên Nguyễn Thị Hằng Nga của Bình Định liên tiếp đạt HCV môn Võ thuật tại 3 kỳ SeaGame 30, 31 và 32.
Hiện toàn tỉnh Bình Định có 185 võ đường, câu lạc bộ võ thuật với trên 12.000 võ sinh tham gia luyện tập thường xuyên. Vận động viên Nguyễn Thị Hằng Nga của Bình Định liên tiếp đạt HCV môn Võ thuật tại 3 kỳ SeaGame 30, 31 và 32.
Với 147 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 36 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia như Thành Hoàng đế, Đền thờ Tây Sơn tam kiệt cùng hệ thống Tháp Chăm độc đáo, bí ẩn là những địa chỉ hấp dẫn của các nhà nghiên cứu và du khách trong nước và quốc tế. Bình Định cũng là quê hương và là nơi nuôi dưỡng của nhiều nhà thơ, nhà văn hóa lớn của đất nước như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan... Cùng với dân ca bài chòi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Võ cổ truyền Bình Định cũng rất phát triển và mang những nét đặc trưng riêng.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho biết, là môn thể thao có truyền thống và giàu tiềm năng nhưng cho tới nay, sự phát triển của Võ cổ truyền Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Chính vì vậy, Hội thảo về các giải pháp phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam, kể cả trước mắt và lâu dài. Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại một chặng đường đã qua, những gì chúng ta đã làm được và những gì chúng ta chưa làm được, khó khăn, thách thức là gì? Để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo tổ chức nhân sự kiện Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 8 - Bình Định năm 2023, đã tập hợp về những nhân tố am tường Võ thuật cổ truyền Việt Nam ưu tú nhất. Hy vọng rằng, hội thảo sẽ đưa ra các giải pháp vừa mang tính tổng thể, vừa có tính đột phá để Võ thuật cổ truyền Việt Nam tiếp tục tỏa sáng và vươn xa.