Vượt nghìn cây số để học võ
Cũng như bao đứa trẻ khác được sinh ra và lớn lên tại Pháp, cô bé Trương Thủy Tiên ngay từ nhỏ đã tiếp xúc với nền giáo dục, tư duy và văn hóa phương Tây, nhưng Tiên luôn tự hào về dòng máu Việt Nam của mình.
Lớn lên, ngoài những giờ đi học trên lớp, Tiên được cha mình là võ sư Trương Anh Tuấn cho theo học các môn võ thuật như taekwondo, judo,... để phòng thân, tự vệ, rèn luyện sức khỏe và tâm ý.
Hè năm 2000, trong một dịp có cơ hội theo chân cha trở về thăm quê hương Việt Nam, Tiên bất ngờ nhìn thấy hình ảnh những thanh niên trong bộ võ phục màu xanh dương vừa đi vừa trò chuyện rôm rả trên con đường mà cô đang dạo chơi. Màu xanh dương vốn là sắc màu yêu thích đã cuốn hút Thủy Tiên từ lúc nhỏ. Với sự tò mò của mình, Tiên đi theo đoàn người và tìm hiểu được đó là các võ sinh của một võ đường Việt Võ Đạo - Vovinam gần đó.
“Có lẽ, màu xanh dương chính là định mệnh đã dẫn tôi đến với Vovinam. Biết đây là môn võ thuật cổ truyền dân tộc nên mình đã tranh thủ 3 tháng nghỉ hè tại Việt Nam, để đăng ký tập thử. Thử mà lại thành thật, thật mà lại thành cái nghiệp theo đến tận bây giờ”, Thủy Tiên chia sẻ.
Ngày hè ở quê của một cô bé Việt kiều cũng không quá bận rộn, nên gần như ngày nào Thủy Tiên cũng đạp xe băng qua những con đường để tới lớp võ. Không chỉ vậy, Tiên còn “rủ” cha mình cùng tham gia lớp võ, từ đó hai cha con trở thành đồng môn trên thảm tập.
Thế nhưng thời gian của Thủy Tiên và cha ở Việt Nam chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Kết thúc thời gian nghỉ hè tại quê hương, cô theo cha trở về Pháp, nhưng tinh thần Việt Võ Đạo thì vẫn theo chuyến bay của họ về tận đất Paris.
Rút kinh nghiệm cho những lần nghỉ hè trở lại Việt Nam trong những năm sau đó, Thủy Tiên và cha mình vẫn tiếp tục tham gia các lớp học Vovinam. Nhưng lần này, cô bé cẩn thận hơn, sử dụng máy quay để ghi lại những thước phim võ thuật, dù là bài quyền hay đối kháng đều được ghi hình một cách đầy đủ, để khi trở về Pháp có thể tiếp tục ôn luyện.
Thủy Tiên kể rằng: “Dù ở Pháp vẫn có đâu đó các võ đường Vovinam do võ sư người Pháp đứng lớp, nhưng những đòn thế và cách thức thi triển lại không hoàn toàn giống với Việt Nam. Tôi muốn học võ với người Việt để giữ được nguyên vẹn nhất tinh thần võ Việt”.
Trương Thủy Tiên đã nhiều lần chiến thắng tại các cuộc thi võ thuật tại Pháp và tại châu Âu. (Ảnh: Thăng Long Vovinam) |
Võ đường Thăng Long Vovinam - đường quyền Việt trên đất Pháp
Cố võ sư Nguyễn Lộc, vị tổ khai sinh bộ môn võ thuật Vovinam đã từng dạy các học trò của mình: “Đích đến chỉ là quán trọ ven đường, đối với người luyện võ, con đường mới là quan trọng…”
Và con đường thành lập võ đường dạy võ Việt, của người Việt trên đất Pháp cũng lắm gian nan. Sau những năm tháng luyện tập chăm chỉ, trải qua nhiều kỳ thi và đạt được trình độ cao ở bộ môn Vovinam, ông Trương Anh Tuấn nung nấu ước mong mở được võ đường của người Việt.
Để trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp của bộ môn này, ông Tuấn đã quyết định đi học để lấy chứng chỉ võ sư của Liên đoàn các môn võ thuật tại Pháp.
Võ đường Thăng Long Vovinam có cả những học viên là trẻ em người Pháp. (Ảnh: Minh Duy) |
Đã có nhiều thành tích đáng nể trong những kỳ thi Vovinam cấp quốc gia và trong khu vực châu Âu, cùng với sự ủng hộ của cha, Thủy Tiên cũng quyết định theo chân cha để trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp và đứng giảng dạy cho những lứa võ sinh kế cận.
Năm 2013, võ đường Thăng Long Vovinam ra đời và cô gái 35 tuổi Trương Thủy Tiên đến nay vẫn là nữ võ sư Vovinam gốc Việt duy nhất tại Pháp.
Học viên của võ đường này có đủ mọi lứa tuổi, có cả người gốc Việt và người Pháp. Việc giảng dạy các đường quyền, thế tấn, chiêu thức võ thuật bằng tiếng Pháp là điều đương nhiên, nhưng những bài học về tinh-khí-thần của dân tộc Việt cũng vẫn được truyền tải với các võ sinh.
Một buổi học đối kháng tại võ đường Thăng Long Vovinam. (Ảnh: Minh Duy) |
Hai cha con võ sư Trương Anh Tuấn và Trương Thủy Tiên đều nhiều lần tham gia với vai trò trọng tài tại các cuộc thi võ thuật. (Ảnh: Thăng Long Vovinam) |
Vovinam là bộ môn võ thuật của Việt Nam, những đòn đánh, thế võ đều mang tinh thần Việt Nam nên việc truyền tải bằng tiếng Pháp gặp không ít khó khăn. Thế nhưng bằng tinh thần võ đạo, thầy trò cũng vượt qua những khó khăn này.
Rất nhiều võ sinh của lớp Vovinam Thăng Long có được thành tích cao trong các cuộc thi võ thuật cấp quốc gia tại Pháp, trở thành niềm tự hào của võ đường và của cộng đồng người Việt. Có những cô bé, cậu bé gốc Việt, da trắng hay da màu sinh sống trên đất Pháp, đã sớm có cho riêng mình những tấm huy chương vàng, huy chương bạc cấp quốc gia sau thời gian gắn bó với Việt Võ Đạo.
Từ những người xa lạ, đến võ đường này, những người đồng điệu trở thành trở thành đồng môn. Nhưng trên hết, ngoài tình đồng hương giữa những người Việt trên đất Pháp, võ đường Thăng Long Vovinam của hai cha con võ sư Trương Anh Tuấn và Trương Thủy Tiên là nơi hồn Việt được truyền tải đến các thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba, cũng như góp phần lan tỏa tinh thần võ Việt ra cộng đồng quốc tế.
Võ sinh 9 tuổi người Pháp, Lyvannah Paruta (võ phục xanh) giành được huy chương bạc chỉ sau một năm theo học tại võ đường của võ sư Trương Thủy Tiên. (Ảnh: Thăng Long Vovinam) |
Một Trương Thủy Tiên vô cùng cương nghị với vai trò võ sư đứng lớp. (Ảnh: Minh Duy) |